MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong căn phòng trọ chật hẹp, chị Duyên vẫn cố gắng xếp góc học tập cho con gái hơn 10 tuổi. Ảnh: LƯƠNG HẠNH.

Nhà ở công nhân: Khi mua nhà chỉ là... mơ ước

LƯƠNG HẠNH LDO | 29/09/2021 19:10

Kể cả khi thu nhập trung bình thuộc mức ổn, nhiều công nhân vẫn không dám nghĩ rằng ngày nào đó họ sẽ mua được 1 căn nhà ở Hà Nội để sinh sống lâu dài. 

Thu nhập ổn cũng chưa nghĩ đến mua được nhà

PV đến hỏi chuyện khi hai mẹ con chị Đỗ Thị Kim Duyên (SN 1986) quê huyện Thanh Ba, Phú Thọ đang chuẩn bị bữa trưa. Dịch bệnh khó khăn nhưng chị Duyên vẫn cố gắng để bữa cơm cho con gái 10 tuổi có đủ rau, thịt. 

Làm việc tại doanh nghiệp chế xuất Nitori (Khu Công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) suốt 9 năm nhưng chị Duyên vẫn chưa thể cho con một nơi ở tốt hơn. 

This browser does not support the video element.

Mặc dù thu nhập tương đối ổn định nhưng vợ chồng chị Duyên cũng không dám nghĩ đến chuyện mua một căn nhà tại Hà Nội.

Chồng chị Duyên làm công trình xây dựng, vắng nhà liên tục, trung bình mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập trên 10 triệu đồng.

 Trong căn trọ gần 20m2 xếp kín đồ đạc của chị Duyên, giường ngủ cũng trở thành chỗ ngồi khi ăn cơm.

Dịch COVID-19 ập đến, chị Duyên phải ở nhà 2 tháng và không có bất kỳ thu nhập gì. Trong khi đó, tiền nhà trọ vẫn phải trả 700.000 đồng/tháng, tiền điện nước khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/tháng. Bao nhiêu tiền bạc tích lũy từ trước, chị Duyên đều đã phải sử dụng để chống chọi trong mùa dịch. 

Mặc dù nhà rất chật chội, nhưng chị Duyên vẫn cố sắp xếp một chiếc bàn học cho con gái có chỗ học hành tử tế.
Chị Duyên cùng chồng lên kế hoạch mua đất làm nhà ở ngoại thành đã từ lâu nhưng đành phải gác lại. 

Khi PV hỏi về mong muốn thay đổi nơi ở, chị Duyên bày tỏ: “Tôi tính mua đất ở ngoại thành chỗ nào rẻ rẻ, nhưng thu nhập như này không thể mua nổi. Thu nhập của tôi được 8-9 triệu đồng/tháng, chồng tôi làm xây dựng có khi đến cuối năm mới lấy được tiền, tháng nọ đập tháng kia. Chỉ mong có chút tiền đề phòng chẳng may ốm đau". 

Con gái chị Duyên đã 10 tuổi khiến chị ngày càng lo lắng về tương lai và chuyện học hành của con. 
 Bữa cơm buổi trưa của hai mẹ con chị Duyên. 

So với nhiều công nhân khác, thu nhập của vợ chồng chị Duyên cũng vào mức khá. Thế nhưng, ngôi nhà để vợ chồng, con cái có nơi an cư lập nghiệp vẫn chỉ dừng ở "trong mơ". Chị Duyên nói: “Mua được nhà không phải mong muốn mà đó là mơ ước. Mơ ước này không chỉ bản thân nhà tôi mà còn rất nhiều công nhân khác. Có nhà sẽ có chỗ ở ổn định, yên tâm mà làm việc”.

Tính đường về quê 

Anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1991, quê ở Thiệu Hoá, Thanh Hoá) chia sẻ với PV: "Mới ngày nào chân ướt chân ráo ra thủ đô tìm kiếm việc làm, đến nay ngót nghét chục năm bám trụ ở đây. Chuyện mua nhà với chúng tôi quá xa xỉ".

Anh Dũng tranh thủ khuấy cháo cho con gái ăn buổi trưa.

Vợ anh Dũng cùng quê Thanh Hoá. Kết hôn 2 năm, vợ chồng anh Dũng phải chuyển nhà trọ đến mấy lần.  Anh Dũng kể, lúc còn độc thân ở sao cũng được, khi lấy vợ, giờ lại có bé gái hơn 8 tháng tuổi nên anh phải tìm nhà trọ thoáng đãng và rộng rãi hơn. Ngoài việc có không gian cho con, còn là đón bà nội xuống ở, trông nom em bé lúc bố mẹ đi làm.

Phòng trọ gia đình đang ở tại xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội) rộng chừng 20m2, đồ đạc kê la liệt. Thế nhưng, đây cũng là nơi khá hơn nhiều so với những căn phòng cũ mà vợ chồng anh từng sinh sống.

Anh Dũng làm công nhân sửa điện tự do. Sau giãn cách, anh vẫn chưa thể quay trở lại công việc, còn vợ anh mới trở lại làm công nhân được vài ngày. Ngồi bên mép giường, anh nhìn mẹ già đang ôm cháu nội trong lòng, nỗi lo về một cuộc sống ổn định cho bố mẹ, vợ con càng nặng trĩu...

"Thu không có mà tiêu thì nhiều. Bố mẹ tôi giờ cũng đã tuổi cao sức yếu. Tôi cố gắng bám trụ ở đây một thời gian rồi về quê. Ở đây, mỗi năm đốt vài chục triệu tiền thuê nhà, không biết đến khi nào mới mua nổi", anh Dũng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn