MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
chị Thuỷ thuê phòng trọ nhưng bếp phải đặt ở 1 góc hành lang. Ảnh: Linh Nguyên

Nhà ở quá thiếu so với sự gia tăng của lực lượng lao động

Linh Nguyên LDO | 23/05/2023 08:27
Theo LĐLĐ Thành phố Hà Nội, trong gần 2 tháng phát hành phiếu lấy ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động (CNLĐ) thông qua các công đoàn cơ sở (CĐCS) để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với CNLĐ Thủ đô năm 2023, vấn đề nổi lên vẫn là nhà ở cho người lao động.

Trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ

Hà Nội hiện có 11 Khu công nghiệp - chế xuất và Khu công nghệ cao với 661 doanh nghiệp và khoảng 165.000 lao động. Trong đó, trên 80% là lao động ngoại tỉnh. Thực tế cho thấy, nhà ở cho CNLĐ còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. Nhà ở cũng là yêu cầu bức xúc hiện nay của đoàn viên, NLĐ. CNLĐ rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.  

Hiện nay, Thành phố Hà Nội có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của CNLĐ gồm: KCN Thạch Thất - Quốc Oai, KCN Thăng Long (Đông Anh), KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ). Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho CNLĐ. Do vậy, khoảng trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao…

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập còn thiếu; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ CNLĐ ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.  Đặc biệt, khối trường THPT còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng kí thi vào trường THPT công lập đã gây bức xúc, khó khăn cho lao động nhập cư khi phải cho con học trường THPT dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của CNLĐ.

CNLĐ mong sớm có chính sách nhà ở phù hợp

Được biết, thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, Thành phố Hà Nội đã triển khai, hỗ trợ tiền thuê nhà cho 371.638 lượt lao động tại 20.794 doanh nghiệp, với tổng số tiền hơn 194 tỉ đồng. Thành phố chỉ đạo các sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho NLĐ, chủ yếu hỗ trợ NLĐ tại các khu công nghiệp như giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước; vận động doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho CNLĐ tại nhà máy, xí nghiệp, hỗ trợ kinh phí thuê nhà cho NLĐ. 

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều CNLĐ mong muốn có chính sách phù hợp về vấn đề nhà ở cho công nhân. Chị Đỗ Thu Thủy, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai đang thuê trọ trong khu dân cư. Những ngày trời nóng, căn phòng trọ chật hẹp như hun không thể chịu đựng nổi. Làm việc cho công ty hơn 13 năm nay, thu nhập của chị Thủy chỉ khoảng trên 5 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng là công nhân, thu nhập của 2 vợ chồng dù tiết kiệm triệt để cũng khó đủ trang trải cho cả gia đình, nên chị từng nhận đan nón vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Điều mong ước của vợ chồng và con chị Thủy là được hỗ trợ tiền thuê nhà hoặc được thuê nhà của Nhà nước phù hợp với thu nhập thực tế của người công nhân. 

Mong ước của chị Thủy cũng là mong ước của rất nhiều CNLĐ ngoại tỉnh đang làm việc tại Hà Nội. 

CNLĐ Khu công nghiệp Thăng long đề nghị thành phố sửa chữa nâng cấp 9 khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) để đảm bảo điều kiện sinh hoạt và an toàn cho công nhân thuê trọ.

Theo LĐLĐ Thành phố Hà Nội: Đối với vấn đề nhà ở, CNLĐ rất mong muốn thành phố sớm có cơ chế chính sách để CNLĐ được thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân với các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và giá cả phù hợp với thu nhập của NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn