MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cửa sổ, ban công nhà trọ trong ngõ 187 phố Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) được rào chắn kín mít. Ảnh: Thu Giang

Nhà trọ cho thuê ở Hà Nội thường trực nỗi lo cháy nổ

THU GIANG LDO | 18/03/2024 14:26

Nhiều vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra ở những khu nhà trọ, chung cư mini cho thuê tại TP Hà Nội đang phát đi hồi chuông cảnh báo về tình trạng tòa nhà rào chắn kín mít, sử dụng thiết bị điện không đảm bảo an toàn, gây ra hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng về cả người và tài sản.

Lo ngại cháy nổ tại các khu trọ

Ghi nhận của PV Lao Động những ngày giữa tháng 3, khu nhà trọ, chung cư mini cho thuê ở phố Triều Khúc (huyện Thanh Trì), phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy)... nằm gần các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đang thu hút một lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên tìm đến thuê trọ.

Tuy nhiên, trước thông tin nhiều vụ cháy, nổ thời gian vừa qua cũng khiến không ít người lo lắng.

Chị Thái Khuyên (tên đã thay đổi), sinh sống tại tầng 3, nhà trọ ngõ 187 phố Triều Khúc, huyện Thanh Trì kể lại vụ cháy nhà trọ cao tầng đêm 14.3 đã khiến nhiều cư dân sinh sống tại tòa nhà và khu vực lân cận rơi vào hoảng loạn.

Theo chị Khuyên, tòa nhà tại đây có 5 tầng, 1 tum, mỗi tầng có khoảng 3 căn hộ đang cho thuê với giá 3,5 triệu đồng/phòng. Khi nghe thấy tiếng nổ lớn, khói đen xuất phát từ tầng 3 của nhà trọ lan lên các tầng phía trên, chị và một số người dân sinh sống ở tòa nhà đã phải chạy lên tầng tum la hét, cầu cứu.

“Với mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, nhiều gia đình như tôi buộc phải tìm đến những khu nhà trọ xa trung tâm Hà Nội, có mức giá thuê “mềm”, phù hợp hơn.

Khi nguyên nhân ban đầu vụ cháy nổ tại nhà trọ được xác định có thể do chập cháy tủ lạnh (có vỏ nhựa) gây ra khói đậm đặc, hôm nay, gia đình tôi đã gọi điện nhờ người quen đến kiểm tra đường điện, các thiết bị điện tử đang sử dụng nhằm đảm bảo an toàn, phòng, chống cháy nổ” - chị Khuyên tâm sự.

Tương tự, Lê Mạnh (SN 2002, sinh viên thuê trọ ở nhà trọ trong ngõ 187 phố Triều Khúc) cho hay: Do hoảng loạn nên sáng sớm hôm nay em và các bạn thuê phòng mới quay trở lại nơi đây.

Theo Mạnh, tuy chỉ cao 5 tầng, 1 tum nhưng phần ban công tòa nhà này đang được rào chắn bằng các thanh sắt kín mít. Vì gần trường học nên em và các bạn mới rủ nhau thuê trọ ở đây để thuận tiện cho việc đi lại, học hành.

Rà soát quy chuẩn an toàn, phòng cháy, chữa cháy

Theo UBND TP Hà Nội, qua rà soát thống kê, trên địa bàn thành phố có 2.980 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực. Năm 2023, thành phố mới có 66/2.980 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC, đạt 7,3% (chỉ tiêu được giao là hoàn thành ít nhất 30%).

Đề cập đến nội dung này, đại tá, PGS-TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC - nhận định, đối với các chung cư, chung cư mini, phòng trọ, các căn hộ gia đình, nhà ở hiện nay đang sử dụng nhiều loại thiết bị điện như tủ lạnh, tivi, bình nóng lạnh, bếp điện… tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy điện.

Theo đại tá, PGS-TS Ngô Văn Xiêm, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố cháy, nổ do điện như cháy do chập mạch, cháy do mối nối dây không tốt (lỏng, hở) và cháy do quá tải hệ thống, thiết bị điện.

Chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế tình trạng cháy nổ xảy ra, người dân cần chú ý kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị, đồ dùng điện, hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện để tránh gây quá tải hệ thống điện, cần tính toán và lựa chọn tiết diện của dây dẫn sao cho có đủ khả năng tải dòng điện, trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị, đồ dùng điện, trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt... cắt điện đối với các thiết bị không cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn