MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn nhà được chia thành nhiều phòng trọ cho người nhập cư thuê. Ảnh: Phương Ngân

Nhà trọ thiếu an toàn của lao động nhập cư

Ngân Phương LDO | 30/03/2024 07:31

Dù biết môi trường ẩm thấp, chật hẹp, có nguy cơ cháy nổ nhưng nhiều người lao động nhập cư đến TPHCM vẫn chọn thuê những căn phòng trọ nhỏ hẹp, điều kiện không đảm bảo, không chỉ vì giá rẻ mà ở nơi đó có công việc để họ kiếm sống.

Nơi thuê trọ… có công việc để làm

Nằm lọt thỏm trong một khu đất dự án tại quận 6, TPHCM, căn nhà lợp mái tôn, tường dựng bằng tôn được ngăn thành 5 căn phòng trọ có diện tích hơn 10m2/căn, bên trong mỗi phòng trọ đều có gác xép.

Là một trong số những người thuê trọ tại đây, chị Nguyễn Thị Liên (quê Đồng Tháp) cho biết, căn phòng chị thuê với giá 2 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước) để làm nơi trú ngụ cho cả gia đình 3 người. Hàng ngày chồng chị đi bán hàng rong, còn chị Liên ở phòng lột vỏ tỏi. Mỗi ngày chị Liên kiếm được hơn 150 nghìn đồng, tương đương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Chị Liên cho hay, chị thuê phòng ở đây được 8 năm, căn phòng không lớn, chiếc gác xép được đóng bằng những tấm ván cũ làm chỗ ngủ cho con. Dù biết căn phòng nhỏ bí bách, ẩm thấp, giá thuê cũng không rẻ nhưng gia đình chị Liên không có ý định chuyển đi, vì đi nơi khác không có việc (lột vỏ tỏi) để làm.

“Ở phòng trọ chật hẹp tôi rất lo lắng chuyện cháy nổ, mất an toàn nhưng cũng phải chấp nhận vì đi nơi khác thì không có việc làm. Lớn tuổi rồi khó xin việc, giờ ở nhà lột vỏ tỏi lúc nào mệt thì nghỉ, hà tiện một chút cũng đủ sống”, chị Liên nói.

Khó tìm phòng rộng, giá rẻ

Trời vừa tối, gia đình anh Lê Hoàng Anh (quê Hậu Giang) đã mắc mùng để tránh muỗi. Gia đình anh Hoàng Anh thuê trọ tại TP Thủ Đức, khu trọ nhìn thoáng mát, tuy nhiên, do xung quanh là cây cối và kênh nước nên muỗi sinh sôi nảy nở.

Anh Hoàng Anh cho biết, trước đây anh thuê phòng trong nhà nguyên căn ở quận Bình Thạnh, gần đây chủ nhà lấy lại nhà để sửa chữa nên gia đình anh chuyển đến TP Thủ Đức, cách nơi ở cũ khoảng 4km.

Đi nhiều nơi tìm phòng nhưng giá cao, phòng trọ nhỏ hẹp. Tìm trên mạng, anh Hoàng Anh thấy chủ nhà cho thuê căn phòng rộng rãi, có sân vườn, thế là gia đình anh đến xem rồi chuyển đến sinh sống.

“Phòng trọ mát mẻ nhưng muỗi bay thành đàn. Cũng ngại bệnh sốt xuất huyết nhưng ở thành phố tìm được căn phòng rộng rãi mà giá rẻ thì không hề dễ”, anh Hoàng Anh chia sẻ.

Là công nhân tại một công ty xây dựng, thu nhập mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, anh Trịnh Minh Hoàng (quê Thừa Thiên - Huế) cùng gia đình chọn thuê căn phòng trọ với giá 1,6 triệu đồng/tháng để làm nơi ăn ở, sinh hoạt sau ngày dài làm việc mệt mỏi. Căn phòng rộng hơn 20m2, nằm ở tầng 1 có ban công thoáng mát. Phòng rộng, sạch sẽ nhưng điều khiến căn phòng có giá rẻ là do nơi đây sử dụng nước giếng khoan.

Mặc dù nhiều lần bị ngứa khi sử dụng nước giếng, phải mua nước đóng chai về để nấu ăn, nhưng anh Hoàng vẫn phải chấp nhận, vì với giá 1,6 triệu đồng/tháng đi nơi khác chỉ thuê được phòng ọp ẹp, ẩm thấp.

“Biết là sử dụng nước giếng để sinh hoạt không tốt nhưng với giá này khó tìm được căn phòng rộng cho cả gia đình sinh hoạt. Ở phòng trọ nhỏ bí bách, trời mưa thì ẩm mốc, trời nắng thì oi bức, nên đành chấp nhận”, anh Hoàng nói.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, qua kết quả khảo sát, điều tra xã hội học của LĐLĐ TPHCM cho thấy, có khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư có nhu cầu thuê nhà trọ với giá khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, chỉ chịu đựng được chi phí thuê nhà khoảng 20% thu nhập hàng tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn