MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Hoắc Thị Nguyệt bên trong một căn phòng để không, chưa có công nhân thuê. Ảnh: Quế Chi

Nhà trọ vơi công nhân, chủ nhà trọ đầy nỗi lo

Quế Chi LDO | 15/06/2023 12:35

Tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nhiều khu nhà trọ đang trong tình cảnh vắng công nhân so với trước. Nguyên nhân là do các công ty cắt giảm công nhân, giảm giờ làm, công nhân trả phòng trọ để về quê hoặc tìm công việc mới. Thực trạng này khiến nhiều chủ nhà trọ tại xã gặp nhiều khó khăn vì họ phải vay nhiều tiền khi xây dựng.

Một nửa số phòng trọ không có công nhân ở

Chiều 14.6, dẫn phóng viên đi khắp 5 tầng của khu trọ, bà Hoắc Thị Nguyệt (thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu) than thở: “Khu trọ của gia đình có 150 phòng thì hiện nay chỉ có một nửa là có công nhân ở, còn lại là để không. Vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa”.
Vào năm 2007, khi một số công ty đi vào sản xuất, vợ chồng bà Nguyệt xây hơn 10 phòng cho công nhân thuê. Đến năm 2018, khi lượng công nhân đến nơi đây làm việc ngày càng đông hơn, vợ chồng bà quyết định dùng số tiền tiết kiệm được và vay ngân hàng số tiền hơn 3 tỉ đồng để xây khu nhà trọ bề thế cao 5 tầng, tổng cộng 150 phòng trọ. Tổng số tiền xây nhà trọ khoảng 5 tỉ đồng. Sau đó, bà còn nhiều lần vay ngân hàng thêm nữa.
Thời gian đầu, phòng xây đến đâu công nhân ở hết đến đó. Nguồn thu từ phòng trọ đủ để vợ chồng bà trả tiền lãi ngân hàng và để ra một khoản khoảng 10-15 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi khi dịch COVID-19 ập đến. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, công nhân ở trọ thường xuyên chuyển đi. Hiện nay, số phòng trọ có công nhân ở thấp nhất từ trước đến nay. Một nửa số phòng không có công nhân ở, chủ nhà trọ này chỉ biết khoá cửa, chờ có người đến thuê.
“Chúng tôi mới trả tiền lãi, chưa trả được tiền vay gốc. Hiện nay mỗi tháng tôi phải trả 100 triệu đồng tiền lãi. Số tiền thu từ các phòng trọ không đủ, vợ chồng, các con tôi phải đi làm các công việc khác để kiếm thêm trả nợ và trang trải cuộc sống” - bà Nguyệt kể.

Giảm số lượng công nhân

Hộ bà Nguyệt chỉ là một trong số các hộ dân kinh doanh nhà ở tại xã Quang Châu bị ảnh hưởng do công nhân trả phòng trọ.
Theo thống kê của xã Quang Châu, xã có tổng cộng 617 hộ kinh doanh nhà trọ với 12.300 phòng trọ, trong đó nhiều nhất là ở thôn Núi Hiểu. Thôn này có 295 hộ dân thì có hơn 200 hộ kinh doanh nhà trọ. Thời điểm cao nhất vào năm 2021, số công nhân thuê trọ tại xã theo thống kê của xã là 24.000 đến 25.000 người. Tại thời điểm tháng 5.2023, con số này giảm xuống chỉ còn gần 9.700 người.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Công đoàn xã Quang Châu - cho biết, sau khi dịch COVID-19 xảy ra, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng nên hạn chế số lao động. Nhiều doanh nghiệp cắt giảm số lượng công nhân, giảm giờ làm.
“Đối với công nhân ở xa, khi bị cắt giảm, mất việc, họ sẽ hồi hương. Những trường hợp khác bị giảm giờ làm, thu nhập giảm theo, không đủ trang trải cuộc sống ở trọ nên tự nghỉ, về quê. Ngoài ra, khi thời gian làm việc nhiều, những công nhân có nhà cách nơi làm việc khoảng 40-50 km thường sẽ thuê trọ để có thời gian nghỉ ngơi. Khi thời giờ làm việc ít đi, nhiều người trong số họ sẽ không thuê trọ nữa mà chọn đi về nhà hàng ngày bằng xe đưa đón. Điều này giúp họ tiết kiệm được số tiền đáng kể” - ông Dũng cho hay.
Tình trạng các khu nhà trọ vơi công nhân khiến các hộ kinh doanh lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Họ đã không còn ruộng để canh tác, cuộc sống phụ thuộc vào kinh doanh nhà trọ và các dịch vụ khác.
“Các chủ trọ xây dựng đều phải vay ngân hàng số tiền lớn. Bình thường, nếu các nhà trọ “lấp đầy” công nhân, thu nhập của họ được khoảng 10-20 triệu đồng/tháng, cơ bản đảm bảo trang trải cuộc sống gia đình sau khi trả nợ ngân hàng, thanh toán tiền điện, nước… Hiện nay, khi vắng công nhân, tiền thu từ các phòng trọ chỉ đủ hoặc chưa đủ để trả nợ ngân hàng” - ông Dũng thông tin. Ông Dũng cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài thêm 1, 2 năm thì các hộ kinh doanh nhà trọ trên địa bàn xã sẽ cực kì khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn