MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhân lực ngành công nghệ thông tin: Không dành cho "lao động già"

Bảo Hân LDO | 02/11/2021 15:33
Ngành công nghệ thông tin đang là một ngành khá “hot”, nhưng công việc này có rất nhiều áp lực mà không phải ai cũng biết, nhất là khi người lao động chạm ngưỡng gần 40 tuổi… 

2 - 3 ngày không ngủ là chuyện bình thường 

Anh Nguyễn Hồng Cảnh (33 tuổi), một kỹ sư công nghệ thông tin cho biết, áp lực của nghề công nghệ thông tin là luôn phải chạy đua để đáp ứng deadline. 

“Thông thường, các dự án về công nghệ thông tin, đặc biệt là mảng outsourcing (gia công ngoài), các dự án thường có áp lực deadline (thời hạn cuối để thực hiện công việc) rất gấp (để đáp ứng hợp đồng, rồi những thay đổi bất ngờ không lường trước). Càng về cuối dự án, yêu cầu về mặt tiến độ công việc thường sẽ đẩy các thành viên đội dự án vào việc phải làm việc ngoài giờ liên tục, có khi 2, 3 ngày không ngủ là chuyện bình thường. Có những trường hợp phải ở trường kỳ cả tuần, cả tháng ở công ty không về nhà” – anh Cảnh tiết lộ. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có chế độ tốt cho việc làm ngoài giờ. 

Bên cạnh đó, nhân lực ngành công nghệ thông tin còn có thể phải đối mặt với sự nhàm chán trong công việc, với một số công việc dạng lặp đi lặp lại (như kiểm thử, viết tài liệu, hoặc kể cả tham gia các dự án na ná nhau…), dẫn đến tâm lý khá mệt mỏi mỗi khi đi làm, có thể gây stress về lâu dài. Không chỉ vậy, các quy định, quy chuẩn về nghề (như các tiêu chuẩn lập trình, an toàn thông tin, báo cáo …) đặc biệt ở các công ty lớn thường khá phức tạp, sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để tuân thủ đặc biệt cho những người mới vào nghề, gây những áp lực khá lớn để hoàn thành các công việc được giao. 

Anh Cảnh cũng cho hay, các công việc về IT thường tạo ra thói quen xấu là ngồi lì trước máy tính trong 1 khoảng thời gian dài, ăn đồ ăn nhanh, hoặc thậm chí bỏ bữa, ăn đêm nhiều, hút thuốc lá gây tác hại rất xấu về sức khoẻ lâu dài. Ngoài ra, họ luôn phải cố gắng cập nhật các xu hướng công nghệ - vốn thay đổi rất nhanh; môi trường công việc hiện đang hướng tới việc toàn cầu hoá, nên các yêu cầu về ngoại ngữ, giao tiếp cũng được nâng cao dần, dẫn đến phải đầu tư thêm thời gian, tiền bạc cho việc học thêm các kỹ năng ngoài nghề nghiệp như ngoại ngữ. 

"Chủ yếu phù hợp với người 35-40 tuổi trở xuống"

Anh Nguyễn Văn T. (37 tuổi), một kỹ sư công nghệ thông tin đã có nhiều năm làm trong nghề cũng cho rằng: Đây là nghề phải làm ngoài giờ, làm thêm nhiều, công việc áp lực. “Nhân lực trong nghề này luôn phải học hỏi, cập nhật kỹ thuật công nghệ mới, nếu không sẽ không theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Vì thế, họ ít có thời gian cho gia đình vì về muộn, thậm chí phải làm cuối tuần, ngày nghỉ” – anh T. chia sẻ. 

Anh T. cho rằng, hiện nay, do nhu cầu làm gia công, nên chủ yếu làm ở công đoạn đơn giản; khi nhiều tuổi thì mức lương và công việc sẽ không còn phù hợp nữa. “Người làm việc trong ngành này ngồi nhiều, hại sức khoẻ như ảnh hưởng đến mắt, lưng. Có thể nói, công việc của ngành này chủ yếu phù hợp với người 35-40 tuổi trở xuống; phù hợp nhất là người từ 23-30 tuổi” – anh T. nhận xét. Khi tuổi đã cao, sức khoẻ kém đi, tốc độ cập nhật kỹ thuật công nghệ mới, lương lại không tăng so với kinh nghiệm, ảnh hưởng đến động lực làm việc. 

Từ quan sát của bản thân ở trong nghề, anh T. cho hay, đến tầm 40 tuổi, nếu không “bắt kịp” công nghệ mới, hay không đáp ứng được công việc, có những nhân lực ngành thông tin có thể đối mặt với nguy cơ bị ép nghỉ hoặc đẩy sang công việc lương thấp, hoặc nhàm chán… Những trường hợp bị mất việc có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn trong xin việc, hoặc phải chấp nhận làm hợp đồng với mức lương thấp. 

“Hiện tại, ngành công nghệ thông tin chủ yếu là gia công nên khả năng nhân lực đã có tuổi trong ngành gặp phải những tình huống đó khá cao. Ngành IT còn mới, nên hiện nay mới chỉ có lẻ tẻ vài trường hợp như vậy. Theo tôi, nếu không có dịch chuyển về chất, phải tầm 5-10 năm nữa sẽ thấy rõ xu hướng này" - anh T. cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn