MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhân viên đường sắt nhiều lần trả lại tài sản cho hành khách

MINH HẠNH LDO | 20/04/2017 06:15
Sau khi phát hiện túi xách của khách bỏ quên trên tàu, nữ tiếp viên Vũ Thị Thùy Oanh (ảnh) đã báo cáo trưởng tàu lập biên bản kiểm tra tài sản và liên hệ hành khách để trả lại toàn bộ số tài sản.

Theo chị Nguyễn Thị Lệ Thu (đang làm việc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Sa Pa), ngày 18.3.2017, chị đi tàu SP2 từ Lào Cai về Hà Nội. Khi về đến ga Hà Nội, dù đã được nhân viên phụ trách toa Vũ Thị Thùy Oanh nhắc nhở kiểm tra lại hành lý khi xuống tàu. Nhưng do hành lý cồng kềnh và mệt mỏi sau một hành trình dài, chị đã không kiểm tra hết hành lý mang theo. Nhưng khi vừa ngồi lên taxi rời khỏi ga, chị nhận được điện thoại của trưởng tàu Hoàng Xuân Hướng đề nghị chị kiểm tra lại hành lý xem có thiếu gì không. Quá ngạc nhiên, sau khi kiểm tra chị Thu đã phát hiện thiếu mất chiếc túi sách trong đó có điện thoại iPhone 6S và 10.700.000 đồng cùng một số giấy tờ quan trọng khác.

Sau khi quay lại ga liên hệ với kíp trực của tàu SP2, để xác nhận lại hành lý bỏ quên, chị Thu được nhân viên của đoàn tiếp viên hướng dẫn nhiệt tình và sau đó được trao trả lại toàn bộ tài sản bị bỏ quên. Cũng theo chị Thu, sau khi nhận đủ tài sản, chị có nhã ý bồi dưỡng kíp trực, nhưng chị đã nhận được lời từ chối lịch sự rằng đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân ngành đường sắt. “Tôi thật vui khi nhận lại được túi xách bỏ quên. Đây là sự trung thực và hết lòng vì hành khách của các anh chị nhân viên đường sắt” - chị Thu cho biết thêm.

Theo Phó Chủ tịch CĐ Đường sắt VN Nguyễn Văn Biên, thực hiện phong trào “4 xin” (Xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn) và “4 luôn” do Bộ GTVT phát động, cán bộ, CNVCLĐ ngành GTVT nói chung và ngành đường sắt nói riêng có nhiều chuyển biến từ chạy tàu đến phục vụ, nhằm thu hút khách đi tàu để đảm bảo việc làm và đời sống của người lao động. Cùng với đó, đến nay đã có hàng nghìn lượt hành khách bỏ quên đồ trên tàu đã được trả lại, có những vụ lên đến hàng trăm triệu đồng.

Được biết, hiện đời sống của chị Oanh vẫn còn nhiều khó khăn, mỗi ca làm việc của chị là 2 ngày 2 đêm và phần lớn là phải thức trắng đêm trên toàn bộ hành trình. Tuy nhiên khi nói về những lần trả lại tài sản cho hành khách đi tàu, chị chia sẻ: "Việc phục vụ chu đáo hành khách đi tàu là ý thức và nhiệm vụ của mỗi tiếp viên ngành đường sắt. Do vậy mỗi tiếp viên luôn đặt trách nhiệm phục vụ hành khách một cách tốt nhất để xây dựng hình ảnh ngành đường sắt ngày một tốt hơn trong mắt hành khách mỗi khi đi tàu". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn