MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không có khoản thưởng Tết, chị Thảo sẽ phải thắt chặt chi tiêu trong thời gian tới. Ảnh: Lương Hạnh.

Nhảy việc cuối năm, người lao động chấp nhận mất thưởng Tết

LƯƠNG HẠNH LDO | 22/12/2022 18:23
Chán nản công việc vào cuối năm, với mong muốn làm mới bản thân, dù mất thưởng Tết, người lao động vẫn chấp nhận nghỉ việc.

Chị Phương Thảo (24 tuổi, quê Thanh Hóa)  quyết định nghỉ việc lần thứ 2 là vào tháng 10.2022, chị Thảo xác định sẽ gặp khó khăn về tài chính. 

Sau đó, chị Thảo đã tìm được một vị trí công việc phù hợp ở công ty mới. Thế nhưng, chị phải thử việc trong vòng 2 tháng và hưởng 85% mức lương cơ bản. Việc này khiến chị Thảo lo lắng khi Tết Nguyên Đán đang ngày một đến gần. 

"Tết đến, tôi phải chi tiêu nhiều hơn cho bản thân, gia đình. Không chỉ vậy, vì mới đi làm nên tôi sẽ không được nhận thưởng Tết. Tôi đã xác định trước việc này nên tôi sẽ cố gắng sắp xếp chi tiêu sao cho hợp lí", chị Thảo tâm sự.

Đang là nhân viên tại một công ty truyền thông ở Hà Nội nhưng chị Đinh Quỳnh Anh (25 tuổi, Hòa Bình) đã nghĩ đến chuyện nộp đơn nghỉ việc sau hơn 2 năm gắn bó. Tuy môi trường làm việc thân thiện nhưng công việc này không đem lại cho chị sự thăng tiến, mức lương luôn "chững" ở con số không cao, chị Quỳnh Anh chán nản với công việc này. 

"Ngày nào cũng lặp đi lặp lại một công việc y hệt với mức lương 7 triệu đồng/tháng khiến tôi cảm thấy bị thụt lùi. Tôi không muốn quanh quẩn trong vòng an toàn đó. Vì vậy, tôi chọn nhảy việc để cố gắng làm mới lại mình", chị Quỳnh Anh chia sẻ. 

Trước khi quyết định nộp đơn xin nghỉ, chị Quỳnh Anh cũng phân vân rất nhiều. Với số tiền tích lũy, chị chỉ có thể trang trải cuộc sống trong thời gian ngắn sau khi nghỉ việc. Hơn nữa, các khoản thưởng Tết đều sẽ bị mất. 

Vì công ty giải thể, chị L.T.X (Cao Bằng) cảm thấy hơi bị hụt hẫng. Bởi trước đó mọi việc vẫn đang diễn ra một cách bình thường. Nhân viên còn được may tặng đồng phục, lương hàng tháng không hề trễ. Tuy nhiên, nhân viên công ty chị đột ngột nhận được thông báo phải giải thể công ty gấp trong tháng 12.2022 với nhiều lý do nội bộ.

Do nghỉ việc đột ngột, nhiều khoản tiền cuối năm của chị ở công ty cũng bị mất theo. Sau khoảng thời gian tìm việc mới, chị cũng “nhảy” qua được một công ty mới. Chị X cho biết, chuyên môn của mình là content marketing - người sáng tạo nội dung nên tìm việc với chị không khó. Chị X rằng nhảy việc vào cuối năm là một cách để bản thân được làm mới, phục vụ công ty một cách tốt hơn.

Theo báo cáo "Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động" được công bố bởi Navigos Search (Navigos Group) vào tháng 4.2022, tháng lương thứ 13 và thưởng Tết là phúc lợi lớn nhất mà người lao động tại Việt Nam được nhận sau quá trình làm việc.

Khảo sát được thực hiện trên 6.800 ứng viên đang làm việc chủ yếu trong 27 ngành nghề khác nhau.

Trong đó, 40,53% nhận thưởng một tháng lương; 22,2% nhận thưởng 2 tháng lương và 12,85% chỉ nhận khoản tiền tương đương dưới một tháng lương.

Ngoài ra, có đến 53% ứng viên hiện nay luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc, tuy nhiên chỉ có 37% nhà tuyển dụng sẵn sàng thể hiện những thông tin này trong bản mô tả công việc đăng tuyển của công ty mình.

Thậm chí, ngay cả khi đã làm việc, nhân sự vẫn khá mù mờ trước tình hình thưởng Tết theo năm. 82% nhân viên lựa chọn sẽ phản ứng cụ thể nếu không nhận được thưởng Tết như đúng với mong đợi. Theo đó, 27% lựa chọn sẽ nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn, 55% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng Tết.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn