MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động phản ánh tình trạng bị Bệnh viện Trường CĐYT Quảng Nam nợ lương kéo dài hơn 1 năm với PV Báo Lao Động. Ảnh: Hoàng Bin

Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế chưa được trả nợ lương đã bị cho thôi việc

Hoàng Bin LDO | 13/09/2023 06:55

Hàng chục cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam liên tục bị nợ lương kéo dài hơn 1 năm nay. Hiện nhiều người đã bị tạm dừng hợp đồng, cho thôi việc.

Nợ lương, phụ cấp hơn 9 tháng

Trong đơn gửi Báo Lao Động, tập thể người lao động (NLĐ) tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam (Bệnh viện Trường CĐYT Quảng Nam) cho biết, có 22 NLĐ công tác tại đây bị nợ lương và phụ cấp hơn 9 tháng (từ tháng 4.2022 đến giữa tháng 1.2023) chưa được thanh toán.

Chị N, công tác tại Bệnh viện Trường CĐYT Quảng Nam cho hay, mọi sinh hoạt chi tiêu của chị đều trông chờ vào đồng lương gần 4 triệu đồng/tháng, nên lúc nợ lương kéo dài, chị phải vay mượn gia đình, người thân xoay sở, cuộc sống rất chật vật. Vì biết bệnh viện đang gặp khó khăn nên chị đã chia sẻ, vẫn đi làm với hy vọng có được chế độ bảo hiểm thai sản.

“Nhưng trước ngày sinh khoảng 1 tuần, tôi biết được thông tin bệnh viện không đóng BHYT. Tôi đã yêu cầu nhưng đợi mãi mà bệnh viện không đóng bổ sung, ngày sinh thì càng đến gần. Cuối cùng, tôi phải vay mượn để thanh toán viện phí hơn 8 triệu mà không được BHYT đồng chi trả” - chị N nói.

Theo ông Phan Tấn Tiến - nguyên giảng viên kiêm cán bộ Khoa Y dược - Bệnh viện Trường CĐYT Quảng Nam - nợ lương chưa được chi trả nhưng đến ngày 15.1.2023, bệnh viện bất ngờ ra quyết định tạm dừng hợp đồng làm việc với hơn 21 NLĐ, khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, vì hầu hết đã lập gia đình và đang nuôi con nhỏ.

Bệnh viện đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng kiêm Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Trường CĐYT Quảng Nam - cho biết, bệnh viện được thành lập cuối năm 2017 trên cơ sở Phòng khám bệnh Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam và được giao quyền tự chủ về tài chính.

Trong những năm đầu mới thành lập với đội ngũ Y bác sĩ và toàn thể nhân viên chăm sóc tận tình, chu đáo nên bệnh nhân đến khám chữa bệnh rất đông, dẫn đến vượt trần, vượt tổng mức khám chữa bệnh BHYT, vượt dự toán qua các năm 2016-2020 với số tiền hơn 12 tỉ đồng.

“Bệnh viện đã nhiều lần báo cáo gửi Cơ quan BHXH tỉnh Quảng Nam, BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Y tế Quảng Nam nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán” - ông Tuấn nói.

Từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng ít dần, bệnh viện hụt thu, thu không bù được chi, cộng thêm UBND tỉnh Quảng Nam trưng dụng làm cơ sở điều trị COVID tầng 3, thể nặng, dẫn đến nguồn thu đơn vị giảm sút nghiêm trọng.

Theo ông Tuấn, đây là nguyên nhân chính khiến bệnh viện không có nguồn để chi trả tiền lương, tiền công và phụ cấp khác cho hơn 22 NLĐ với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.


“Qua nhiều buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan, chúng tôi đã báo cáo tình hình khó khăn và xin cơ chế hỗ trợ. Nhà trường cam kết sau khi được BHXH thanh toán số tiền vượt trần, vượt dự toán từ năm 2016-2020 đối với bệnh viện đa khoa, sẽ chuyển trả hết số tiền nợ nêu trên cho người lao động trong thời gian sớm nhất” - ông Tuấn cho biết.

Theo ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng kiêm Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Trường CĐYT Quảng Nam: Do tình hình hụt thu, ngày 15.1.2023, Nhà trường đã có Công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc xin tạm dừng hoạt động bệnh viện trong thời gian ngắn để tái cơ cấu lại bộ máy, ổn định lại nhân lực để tiếp tục hoạt động trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn