MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Đàm Đình Văn - công nhân Khu Công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - bị thương tích, phải tạm nghỉ làm sau vụ tai nạn giao thông vào thời điểm tháng 12.2020 Ảnh: Bảo Hân

Nhiều công nhân đi xe máy về quê ăn Tết dù biết có thể không an toàn

Bảo Hân LDO | 09/02/2021 12:30

Do thu nhập thấp, nhiều công nhân, thậm chí cả gia đình công nhân, buộc phải chọn cách đi xe máy để trở về quê ăn Tết, mặc dù biết rằng có thể gặp nguy hiểm trên đường đi.

Anh Đàm Đình Văn là công nhân Khu Công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, quê tại tỉnh Cao Bằng. Quê anh cách nơi ở trọ 300km. Khi được hỏi dự định sẽ về quê ăn Tết bằng phương tiện gì, anh Văn cho biết, anh sẽ chọn cách đi bằng xe máy về nhà, mặc dù vừa rồi, anh mới gặp tai nạn giao thông trên đường từ quê lên nhà trọ.

“Đợt đó, nhà tôi có việc hiếu. Sau khi xong việc, tôi đi từ buổi chiều, dự định sẽ lên Bắc Ninh vào khoảng 9 giờ tối. Đến địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tôi bị tai nạn, ngã xuống đường, sây sát hết chân tay, xe bị hỏng ở nhiều chỗ. Vì đau quá nên tôi phải đi chậm, đến tận 11 giờ đêm tôi mới đến phòng trọ”- anh Văn cho hay.

Mặc dù biết đi xe máy về quê với quãng đường xa như vậy là rất nguy hiểm, nhưng anh Văn có nhiều lý do để về ăn Tết bằng xe máy. “Đi xe khách vào thời điểm Tết rất đông, chen chúc, chật chội, giá vé lại cao nên tôi rất ngại. Trong khi đó, đi xe máy về quê, tôi sẽ thoát được cảnh này, lại có phương tiện để đi lại dịp Tết. Hơn nữa, nếu về quê mà để xe máy lại nhà trọ, tôi không an tâm vì nguy cơ bị mất cắp”- anh Văn giải thích.

Anh Văn sống một mình, nên dù sao việc đi lại bằng xe máy vào dịp Tết cũng dễ dàng hơn. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều gia đình công nhân có con nhỏ vẫn quyết định đi bằng xe máy trở về quê nếu trời không quá mưa, rét.

Vợ chồng anh Trần Đình Nam (ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Anh chị có 1 con nhỏ, năm nay mới gần 1 tuổi. Quê anh ở Thái Nguyên, cách nơi trọ khoảng 60km. “Tôi dự định đi bằng xe taxi về quê, nhưng vợ tôi tiếc tiền (cả đi, cả về hết hơn 1 triệu đồng), lại sợ say xe nên cuối cùng quyết định cả gia đình đi bằng xe máy về nhà. Hơn nữa, đi xe máy về thì dịp Tết còn có phương tiện cho cả nhà đi lại”- anh Nam cho hay. Xe máy của vợ anh sẽ để lại ở phòng trọ, khoá kỹ lại để đề phòng trộm cắp, còn cả nhà sẽ đi xe máy của anh Nam.

Khi nói về nguy cơ tai nạn giao thông, anh Nam chép miệng: "Vẫn biết vậy, nhưng tôi sẽ cố gắng về lúc sớm, tránh đông người, đi chậm rãi. “Hy vọng cả nhà sẽ đi lại an toàn để có cái Tết vui vẻ, đầm ấm” - anh Nam tâm sự.

Theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều công nhân đi làm xa quê (từ vài chục đến hàng trăm km) chọn cách đi bằng xe máy để trở về quê. Dù biết có nguy cơ tai nạn, nhưng với nhiều lợi ích mang lại, xe máy vẫn là lựa chọn của đông đảo công nhân tha hương trở về quê dịp Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn