MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập thấp, đồng lương eo hẹp công nhân ngậm ngùi hẹn lại cái Tết sau. Ảnh: Bích Ngọc

Nhiều công nhân lỡ hẹn sum họp với gia đình dịp Tết

Bích Ngọc LDO | 30/12/2023 14:00

Thu nhập thấp, làm việc cả năm vẫn không góp đủ tiền tiết kiệm, một số công nhân tại các tỉnh, thành miền Tây ngậm ngùi hẹn Tết sau về sum họp với gia đình.

Muôn nỗi lo chi phí

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trái với tâm lý háo hức chuẩn bị sắm sửa đồ đạc về quê đón Tết của đồng nghiệp, vợ chồng nữ công Nguyễn Thị Mi (công ty may mặc tại TP Cần Thơ) lại trăn trở vì muôn khoản chi phí cho Tết.

Theo chị Mi quê ở Bình Thuận vào TP Cần Thơ sinh sống và lập nghiệp cũng gần 5 năm. Chi phí mỗi lần về quê ngày thường cũng khoảng 1 triệu đồng/người/2 lượt, nếu tính cả gia đình sẽ tốn 3 triệu đồng cho 3 người.

“Nếu gia đình ở quê có việc thì tôi hoặc chồng về chứ không dám về đông đủ, vì nếu đi hết tiền xe cũng gần nửa tháng lương. Ngày Tết giá vé sẽ tăng, đến chuyện nghĩ về quê tôi cũng không dám. Tiền tiết kiệm cả năm chỉ được chút ít, nếu về thì sang năm tiền đâu lo tiền học cho con” - chị Mi bộc bạch.

Không dám về quê, vợ chồng chị Mi quyết định gửi tiền về quê để mua sắm chút bánh, kẹo Tết như cách để biếu ông bà. “Dẫu biết Tết mỗi năm chỉ có một lần, nhưng giờ mà cả gia đình về hết, qua Tết cuộc sống gia đình càng chật vật hơn, ăn uống kham khổ hơn” - chị Mi trăn trở.

Hẹn lại Tết sau

Thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn một số công nhân hẹn gia đình những cái Tết sau. Anh Nguyễn Quốc Quân (công nhân công ty may mặc tại tỉnh Hậu Giang) cho biết: Do doanh nghiệp gặp khó khăn trong đơn hàng, không có điều kiện tăng ca, số tiền làm được mỗi tháng phải trang trải các chi phí nhà trọ, điện, nước, tã, sữa cho con nên năm vừa qua bản thân cũng chẳng tích góp được bao nhiêu.

“Tôi mong, doanh nghiệp sẽ có chút tiền thưởng cho công nhân để gia đình trang trải các chi phí ngày Tết” - anh Quân cho hay.

Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - cho biết: Theo khảo sát, chỉ 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; 75,5% người trả lời cho biết, thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã yêu cầu các Sở LĐTBXH trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, Bộ giao lãnh đạo các Sở chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn