MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người xem công nhân là một nghề thực thụ vì mang lại thu nhập nuôi sống gia đình và muốn gắn bó lâu dài. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh

Nhiều công nhân muốn gắn bó lâu dài với nhà máy

Minh Hương LDO | 19/04/2022 12:30
Theo ghi nhận của PV, rất nhiều trường hợp công nhân không có ý định gắn bó lâu dài với công ty vì lý do sức khoẻ, nhà ở, áp lực công việc,... Song cũng có người xem công nhân là một nghề thực thụ vì mang lại thu nhập nuôi sống gia đình và muốn gắn bó lâu dài.

Làm đến lúc nào không còn đủ tuổi lao động

“Từ khi mới tốt nghiệp cấp 3 tôi đã xin làm công nhân. Đây là năm thứ 15 tôi gắn bó với công ty. Tôi vẫn sẽ làm đến khi nào hết tuổi lao động” - anh Nguyễn Văn Hoan (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ. Sau thời gian dài làm ở công ty, anh được cất nhắc làm tổ trưởng của một dây chuyền sản xuất 3 năm nay. Hiện lương cơ bản của anh được 10,5 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập gần 16 triệu đồng/tháng.

Nói về lý do muốn làm công nhân lâu dài, anh Hoan chia sẻ, “công nhân là nghề mang lại cho tôi nhiều thứ”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Hoan không có điều kiện đi học đại học. Thời điểm anh học hết cấp 3, mẹ anh hay ốm đau, phải nằm viện triền miên. Trong tay không có bằng cấp, nếu công ty không nhận vào làm, anh sẽ không có tiền trang trải cuộc sống, lo tiền thuốc men cho mẹ nằm viện. 

“Lúc đó tôi nghĩ làm công nhân chỉ là giải pháp tạm thời, vì vất vả lắm. Dần dà cũng quen, nay tôi vẫn chưa có suy nghĩ bỏ việc hay chuyển sang công việc khác” - anh Hoan nói.

Không chỉ vậy, làm ở công ty còn cho anh Hoan cơ hội được gặp vợ. Hiện anh chị có 2 mặt con, vợ anh cùng làm công ty. Gia đình 4 người thuê trọ được 8 năm thì anh và vợ mua được căn nhà ở xã hội trị giá 800 triệu đồng.

“An cư lạc nghiệp. Sở dĩ tôi không có ý nghĩ thôi làm công nhân vì đã có công việc ổn định, có căn nhà nhỏ. Còn đối với những người làm trong nhà máy 8-12 tiếng, xa gia đình, không có điều kiện mua nhà thì họ thường chỉ làm công nhân vài năm rồi về quê” - anh Hoan cho hay.

Nhiều đời làm công nhân

Chị Đỗ Thị Vân Anh (22 tuổi, Thanh Hoá) - công nhân ở Khu công nghiệp Đình Hương (Thanh Hoá) gần 4 năm. Thi đậu đại học, chị Vân Anh phải từ bỏ việc học để xin làm công nhân phụ giúp gia đình. Mỗi ngày làm 8 - 10 tiếng, thu nhập của chị ở mức 6-6,5 triệu đồng/tháng.

Chị Vân Anh kể, gia đình chị 3 đời làm công nhân. Đầu tiên là bà ngoại, đến mẹ và nay là chị.

Chia sẻ về lý do đi làm công ty, chị Vân Anh cho hay, bố mắc bệnh không còn sức lao động, phía sau còn 2 em đang tuổi ăn học nên trong vai chị cả, chị phải cùng mẹ gánh vác gia đình.

Theo chị Vân Anh, nhờ đi làm công nhân, chị mới có tiền lo liệu cho cuộc sống. Mỗi tháng, đều đặn, chị dành 4 triệu đồng đưa cho mẹ. Mẹ chị làm công nhân lâu năm nên thu nhập cao hơn, nhưng số tiền này phải trích ra mua thuốc cho bố.

Được hỏi có bao giờ nghĩ sau này sẽ thôi làm công nhân, nhất là khi có gia đình? Không suy nghĩ, chị Vân Anh đáp: “Tôi xem công nhân là một nghề nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu đã là nghề phải gắn bó thôi. Không làm công ty này thì làm công ty khác”. 

Tương tự, anh Vũ Văn Hưng - công nhân ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng có suy nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với nghề công nhân.

Anh Hưng quê ở Hoà Bình, trung bình 1 tháng anh sẽ về quê 2 lần. Cứ như vậy, anh làm công nhân năm nay năm thứ 8.

Tổng thu nhập mỗi tháng của anh Hưng ở mức hơn 10 triệu đồng, trừ đi chi phí thuê trọ, ăn uống, anh gửi về cho gia đình 5-6 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về lý do làm việc lâu dài ở công ty, nam công nhân nói: “Tôi không bằng cấp, kiến thức, trình độ không cao. Nếu không làm công nhân cũng rất khó để có công việc ổn định. Nghề nào cũng có sự vất vả riêng. Do vậy, cứ có thu nhập lo cho gia đình thì tôi sẽ tiếp tục đến khi nào công ty không cần nữa”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn