MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân đang điều trị bệnh phổi. Ảnh: NGUYỄN LY

Nhiều công nhân phải làm việc trong môi trường độc hại vì mưu sinh

NGUYỄN LY LDO | 20/04/2024 11:42

Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều công nhân dù biết môi trường làm việc của mình độc hại, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vẫn chấp nhận.

Chấp nhận làm việc vì mưu sinh

7h30 mỗi sáng, sau khi đưa con đi học, chị Nguyễn Kim Thanh (33 tuổi, công nhân làm việc tại TPHCM) bắt đầu một ngày làm việc mới.

Với hơn chục năm kinh nghiệm làm việc tại công ty dệt may, chị Kim Thanh đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp mắc phải các bệnh liên quan đến đường hô hấp do tiếp xúc hàng ngày với bụi vải và hóa chất nhuộm. Tuy nhiên, vì cuộc sống, chị vẫn tiếp tục công việc... “Thỉnh thoảng, cũng có những loại vải có thể gây ra dị ứng và ngứa da. Do tính chất đặc biệt của công việc, công ty cũng quan tâm đến vấn đề này, bằng cách lắp đặt hệ thống hút bụi và phân phát khẩu trang hàng tháng cho công nhân, đảm bảo mỗi người đều có khẩu trang 100% khi làm việc”, chị Kim Thanh chia sẻ.

Cũng làm việc tại công ty cùng chị Kim Thanh, anh Huỳnh Thái Bình (22 tuổi, công nhân làm việc tại TPHCM) từng lo ngại về sức khỏe của mình, nhưng anh đã chấp nhận điều đó.

“Tôi đã gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm, và việc tìm công việc phù hợp với bản thân cũng không dễ dàng. Vì vậy, sau khi tìm được công việc ở đây, tôi biết rằng sẽ phải đối mặt với bụi vải và các vấn đề sức khỏe liên quan, nhưng vẫn phải làm bởi vì cần tiền chi phí cho việc trả tiền thuê nhà và các hóa đơn khác. Đồng thời, cố gắng đeo khẩu trang bảo hộ kỹ cho bản thân để hạn chế bụi khi tiếp xúc với các loại vải”, anh Thái Bình chia sẻ.

Người nhập viện vì bệnh hô hấp gia tăng

Hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, nhất là những người có lịch sử làm việc trong môi trường độc hại và thiếu đảm bảo sức khỏe, ngày càng tăng lên.

Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, trung bình mỗi tháng có khoảng 100 ca bệnh được chẩn đoán mắc ung thư phổi, chưa tính các trường hợp điều trị ngoại trú. Trong số đó, có đến 20-30% các trường hợp mắc dưới 45 tuổi, và thậm chí còn có những trường hợp chỉ mới 20 tuổi.

Trong danh sách 30 nghề nghiệp thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm y tế, bệnh bụi phổi chiếm tỉ lệ cao nhất với 70% các trường hợp nhập viện. Thống kê mới nhất từ Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam có gần 28.000 người mắc bệnh này, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn nhiều lần.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Hải, Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175, thuật ngữ “bệnh bụi phổi” ám chỉ một loạt các bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ các chất vô cơ như silic, bụi than, và bụi amiang. Có nhiều yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh bụi phổi. Triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu và có thể gây nhầm lẫn với các bệnh khác như lao hoặc ung thư phổi. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất là sơ hóa phổi, một trạng thái không thể hồi phục do viêm nhiễm kéo dài.

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh bụi phổi. Các phương pháp hiện tại chủ yếu tập trung vào việc sử dụng kháng sinh, dược phẩm cho phổi, hoặc sự hỗ trợ từ oxy để kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

Bác sĩ Công Hải cảnh báo, những người sống trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với khói bụi và đặc biệt là công nhân làm việc tại các nhà máy tiếp xúc hóa chất, bụi cần phải tự giác thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Việc này giúp phát hiện bệnh sớm và tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn