MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân trong phòng trọ (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Bảo Hân

Nhiều công nhân vẫn nhận lương cơ bản thấp

Bảo Hân LDO | 23/04/2022 07:00
Qua khảo sát của phóng viên Báo Lao Động, nhiều công nhân dù được nhận mức lương cơ bản cao hơn lương tối thiểu vùng (LTTV), nhưng mức lương này vẫn thấp, không đảm bảo cuộc sống. Để có thu nhập cao hơn, họ phải đi làm thêm.

Làm thêm vì lương thấp 

Chị Nguyễn Thị Thức đã làm việc 14 năm tại một công ty ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hiện lương cơ bản của chị hơn 4 triệu đồng/tháng - chỉ cao hơn một chút so với mức LTTV đang áp dụng trên địa bàn thành phố Việt Trì. Thành phố Việt Trì đang áp dụng LTT vùng 2, tương đương 3.920.000 đồng/tháng. “Mấy năm gần đây, công ty không tăng lương cơ bản cho công nhân, nguyên nhân là khó khăn do dịch COVID-19” - chị Thức nói. 

Ngoài lương cơ bản, chị Thức còn được nhận một số khoản phụ cấp (khoảng 1 triệu đồng). Như vậy, tổng thu nhập của chị Thức khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Để có thêm thu nhập, chị phải làm thêm. Nếu làm thêm nhiều, tổng thu nhập cao nhất là hơn 7 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập ít ỏi này, nữ công nhân phải tằn tiện chi tiêu để đảm bảo sinh hoạt của gia đình. 

Chủ tịch CĐCS một công ty điện tử tại Bắc Ninh cho biết, hiện công nhân mới vào làm công ty được trả mức lương cơ bản theo LTTV (3.920.000 đồng/tháng) cộng với các khoản phụ cấp. Hằng năm, công ty sẽ tăng lương cho công nhân theo bậc.  

Còn tại Bắc Giang, trong các Khu công nghiệp đang áp dụng mức lương vùng III (3.430.000 đồng/tháng). Ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, mức lương cơ bản trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là từ 3,9-4,9 triệu đồng/tháng. Theo ông Thắng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ có một số doanh nghiệp tăng lương cơ bản cho công nhân lao động, mức tăng 5%. Mức tăng này có được nhờ ý kiến của công nhân lao động đề nghị và thương lượng của công đoàn cơ sở.  

Ông Thắng nói thêm, nếu sắp tới có Nghị định chính thức về tăng LTTV 6% từ ngày 1.7.2022, các doanh nghiệp sẽ tăng lương cho công nhân theo mức tăng này. Ví dụ, công nhân lao động đang có mức lương là 4,9 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm 210.000 đồng (mức tăng LTT của vùng III).

Lương cơ bản khác gì với lương tối thiểu vùng?

Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định về mức LTT. Theo đó, mức LTT là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức LTT được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Mức LTT được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; tương quan giữa mức LTT và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động...

Như vậy, mức LTT là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Mức LTT theo vùng được Chính phủ quy định dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức LTT theo vùng này được thay đổi hàng năm để phù hợp với nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. 

Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng. 

Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” phương án tăng LTTV 6% từ ngày 1.7.2022 để trình Chính phủ xem xét, quyết định. 

Lương cơ bản không phải là một khái niệm được pháp luật quy định nhưng lại được rất nhiều NLĐ nhắc đến. Lương cơ bản là mức lương mà NLĐ nhận được khi làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không bao gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp và các khoản thu nhập bổ sung . 

Khi thoả thuận lương cơ bản, người sử dụng lao động phải đảm bảo mức lương cơ bản không thấp hơn mức LTTV mà pháp luật quy định đối với từng đối tượng, trình độ. Cụ thể là: Mức lương cơ bản không thấp hơn mức LTTV đối với NLĐ làm công việc đơn giản nhất; mức lương cơ bản cao hơn ít nhất 7% so với LTV đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn