MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kết nối “cung - cầu” lao động qua các sàn giao dịch việc làm lưu động. Ảnh: Phương Loan

Nhiều doanh nghiệp hạ thấp tiêu chí tuyển dụng

Phương Loan LDO | 21/03/2024 10:00

Do nhu cầu tuyển nhân lực tăng cao, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hạ thấp tiêu chí tuyển dụng như không yêu cầu trình độ, nếu không có kinh nghiệm sẽ được đào tạo và nâng trần độ tuổi...

Tuyển liên tục vẫn thiếu lao động

Thống kê, hiện các khu công nghiệp (KCN) của Vĩnh Phúc có 470 dự án còn hiệu lực đầu tư, giải quyết việc làm cho gần 135.000 lao động. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng tăng cao.

Theo khảo sát, tại các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, rất nhiều DN vẫn đang treo biển thông báo tuyển dụng. Fanpage của các công ty cũng liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng để tiếp cận nhiều lao động.

Đơn cử như Công ty TNHH ISC Vina cần tuyển 200 lao động; Công ty TNHH Shinwon Ebenezer cần tuyển 500 công nhân; Công ty TNHH Jawa Vina cần tuyển 300 công nhân…

Nằm ở KCN Bình Xuyên 1, Công ty TNHH Quốc tế Cerie Việt Nam là DN lĩnh vực may mặc, chuyên sản xuất đồ mặc nhà, đồ thể thao. Hiện, công ty đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2024, công ty mở rộng sản xuất, ký hợp đồng nhiều đơn hàng mới nên cần tuyển thêm 1.000 lao động, trong đó hơn 600 công nhân phổ thông, còn lại là lao động đã qua đào tạo ở các vị trí thợ máy, thợ may kỹ thuật, nhân viên kho, kiểm hàng.

Để thu hút lao động, công ty đưa ra nhiều chế độ ưu đãi hấp dẫn như: Được dạy nghề miễn phí, chế độ lương, thưởng hiệu suất cao, quà tặng lễ, Tết, sinh nhật, thưởng thâm niên, thưởng tháng lương thứ 13, được hỗ trợ ăn ca, chăm sóc sức khỏe…

Còn tại KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, Công ty TNHH Partron Vina đang tạo việc làm cho 3.400 công nhân nhưng vẫn thiếu 500 lao động.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH Partron Vina cho biết: Lý do thiếu lao động bởi công ty vừa mở rộng thêm xưởng ở Vĩnh Phúc và xây nhà máy mới tại Hà Nội. Bên cạnh đảm bảo chế độ phúc lợi, lương, thưởng cao, người lao động chưa biết việc sẽ được đào tạo, dạy nghề miễn phí và rút ngắn thời gian thử việc nhưng vẫn “khát” lao động.

Tổ chức các sàn giao dịch việc làm cố định và lưu động

Theo đánh giá của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, từ cuối năm 2023 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn đang phục hồi. Ngoài việc tuyển bổ sung lao động nghỉ việc sau Tết, nhiều DN làm ăn phát triển đã mở rộng quy mô sản xuất nên cần tuyển dụng lượng lớn lao động, trong đó chủ yếu là công ty may mặc, điện tử, giầy da…

Do vậy, nhiều DN đã hạ thấp tiêu chí tuyển dụng như không yêu cầu trình độ, nếu không có kinh nghiệm sẽ được đào tạo “cầm tay chỉ việc”; một số DN nâng độ tuổi tuyển dụng từ 35 - 45 tuổi, không phân biệt nam, nữ; tổ chức tuyển dụng trực tiếp tại công ty không qua trung gian, không thu phí để bổ sung lực lượng lao động…

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã khai thác thông tin việc làm từ các DN để tổ chức các sàn giao dịch việc làm cố định và lưu động, đưa việc làm tới người lao động, tăng cường kết nối “cung - cầu” lao động qua các ứng dụng công nghệ số.

Để hỗ trợ DN tuyển dụng lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường thông tin, giới thiệu việc làm tới người lao động, nhất là khu vục nông thôn, miền núi.

Công đoàn các KCN cũng chú trọng quan tâm, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, công nhân lao động; giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách của DN với người lao động; đồng thời, tuyên truyền để công đoàn viên thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động, hạn chế tình trạng công nhân “nhảy việc”, góp phần ổn định lao động trong DN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn