MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo Chia sẻ sáng kiến và bài học kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới tại doanh nghiệp ở Việt Nam do Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp tổ chức. Ảnh Mai Dung

Nhiều doanh nghiệp Hải Phòng bình đẳng giới trong việc làm, chế độ phúc lợi

Mai Dung LDO | 19/09/2021 17:30

Ngày 19.9, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) tổ chức hội thảo “Chia sẻ sáng kiến và bài học kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới tại doanh nghiệp ở Việt Nam”.

Hội thảo nằm trong kế hoạch hoạt động năm thứ 2 (từ tháng 4.2021 – 4.2022) của Dự án “Nối dài tương lai – góp phần nâng cao năng lực và cơ hội việc làm của lao động di cư trong nước” do Oxfam tài trợ cho Mạng lưới hành động vì lao động di cư (Mnet) và Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng. Dự án được thực hiện tại Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh.

Hội thảo diễn ra với 2 hình thức trực tuyến tại Hà Nội, trực tiếp tại điểm cầu Hải Phòng. Ảnh BTC

Trong khuôn khổ chương trình, đại diện một số doanh nghiệp FDI chia sẻ về thực hiện bình đẳng giới tại doanh nghiệp. Theo đó, hầu hết các đơn vị, chính sách lương, thưởng và phúc lợi công bằng cho toàn thể người lao động, không phân biệt giới tính; cơ hội thăng chức, tăng lương, đào tạo không phân biệt giới tính, phụ nữ có thai hay nuôi con nhỏ…

Điển hình Công ty TNHH Maple, lao động nữ có thai được giảm 1 giờ làm việc và hưởng nguyên lương từ ngày thông báo với người sử dụng lao động; lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được giảm 2 giờ làm việc và hưởng nguyên lương (kể cả lao động mới vào làm việc). Tất cả lao động nữ nếu không đăng kí nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian kinh nguyệt thì được trả bằng tiền tương đương 1,5h tiền lương (hưởng theo lương sản lượng). Công ty sẽ kéo dài thời hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn thêm 12 tháng đối với lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi khi hợp đồng lao động mà hai bên đã giao kết đến thời điểm hết hạn...

Các đại biểu chia sẻ thực trạng thực hiện bình đẳng giới tại doanh nghiệp. Ảnh BTC

Còn tại Công ty TNHH Bluecom, các chế độ phúc lợi cho người lao động giữa nam và nữ đều được hưởng như nhau. Công ty quan tâm đến các yếu tố cản trở lao động nam nữ khi tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể như đầu năm 2021, lao động ngoại tỉnh – nơi có  dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp sắp xếp chỗ ở cho tất cả công nhân có nhu cầu ở lại, đối với những trường hợp không ở lại công ty hỗ trợ tháng đầu nghỉ việc bằng mức lương tối thiếu vùng, tháng tiếp theo 50% mức lương tối thiểu…

Để thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới tại doanh nghiệp, các đại biểu thảo luận, đưa ra ý kiến, giải pháp doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động được tuyên truyền về Bình đẳng giới; xây dựng các mô hình Doanh nghiệp vì người lao động, doanh nghiệp thân thiện với trẻ nhỏ, doanh nghiệp 3 không “Không phân biệt đối xử nam nữ, không quấy rối tình dục, không cưỡng bức lao động”…

Trước đó, các đại biểu nghe một số thông tin về khung luật pháp chính sách về bình đẳng giới và việc lồng ghép giới trong chính sách lao động và thực trạng trạng thực hiện bình đẳng giới tại các doanh nghiệp được khảo sát tại Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn