MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (công nhân Công ty Dệt 19.5) ngao ngán nói: Chúng tôi đang bị lãnh đạo công ty bỏ rơi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH coi thường quyết định xử phạt

Hà Anh LDO | 09/03/2024 07:24

Mặc dù cơ quan từ Trung ương tới địa phương đã có quyết định xử phạt về hành vi nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động (NLĐ), tuy nhiên lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn không đóng tiền phạt cũng như trả nợ BHXH. Không ít NLĐ đánh giá: Lãnh đạo doanh nghiệp coi thường các cơ quan chức năng, dẫn tới những lời kêu cứu của họ rơi vào “vô vọng”.

Không đóng tiền phạt, số nợ tăng gần gấp đôi

Nổi bật là vụ việc tại Công ty Cổ phần khóa Minh Khai (Thanh Trì, Hà Nội - thuộc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng). Công ty Cổ phần khóa Minh Khai triền miên nợ đóng BHXH khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng.

Liên quan tới việc Công ty Khóa Minh Khai nợ đọng BHXH kéo dài, năm 2019, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xuống làm việc và xử phạt về việc nợ đọng BHXH đối với công ty. Tiếp đó, ngày 7.6.2022, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 55/QĐ-XPHC với số tiền 150.000.000 đồng đối với công ty này.

Tuy nhiên đến ngày 8.3.2024, lãnh đạo Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai vẫn chưa nộp số tiền phạt theo quyết định của Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội!

Thời điểm, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định xử phạt, Công ty Cổ phần khóa Minh Khai nợ BHXH số tiền hơn 6,8 tỉ đồng.

Theo danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội tháng 2.2024 do BHXH TP Hà Nội vừa công bố, trong 20 công ty, đơn vị “dẫn đầu” danh sách về thời gian chậm đóng cũng như số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, có tên Công ty CP khóa Minh Khai.

Theo đó, Công ty CP Khóa Minh Khai đứng thứ 18 với 116 tháng chậm đóng, số tiền là hơn 13,4 tỉ đồng - gần gấp đôi số tiền nợ khi bị Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định xử phạt (tháng 6.2022).

NLĐ cảm thấy bị bỏ rơi

Liên quan đến việc lãnh đạo Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội, chi nhánh Hà Nam (Công ty Dệt 19.5) không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ từ năm 2019, ngày 4.7.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 1328/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính về BHXH đối với Công ty Dệt 19.5 tại Hà Nam số tiền 150.000.000 đồng. Nhưng đến ngày 7.3.2024, lãnh đạo Công ty Dệt 19.5 vẫn chưa đóng tiền phạt!

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 20.3.2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng đã chỉ đạo Công ty Dệt 19.5 có văn bản cam kết thời gian trả nợ lương, đóng BHXH cho NLĐ; yêu cầu đến ngày 31.7.2023 phải thanh toán lương và đóng BHXH cho 1/3 số lao động hiện nay công ty đang nợ (ưu tiên những NLĐ đã chuyển việc); đến hết tháng 6.2024 hoàn thành không nợ đọng lương, BHXH đối với NLĐ…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay lãnh đạo Công ty Dệt 19.5 chỉ trả nợ lương cho NLĐ, còn số tiền nợ BHXH tính đến ngày 8.3 vẫn là hơn 14 tỉ đồng!

Ngày 8.3.2024, đúng dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1968, ngụ quận Đống Đa, Hà Nội; công nhân Công ty Dệt 19.5) ngao ngán nói: “Chị em công nhân chúng tôi đang bị bỏ rơi!”.

Bà Tâm đã có 26 năm gắn bó với Công ty Dệt 19.5, từ khi bà còn làm việc tại Hà Nội, sau đó theo nhà máy dệt chuyển xuống Hà Nam.

“Sau gần 1 năm nghỉ làm, do lãnh đạo Công ty Dệt 19.5 không đóng BHXH, BHYT khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn… dẫn đến phải phụ thuộc vào con cái. Đặc biệt, hiện nay chúng tôi không biết ông Đỗ Văn Minh - Tổng Giám đốc Công ty Dệt 19.5 ở đâu để tìm đến đòi quyền lợi, trong khi đó gọi điện thoại thì ông Minh không nghe” - bà Tâm than thở.

Bà Tâm cho rằng, việc lãnh đạo Công ty Dệt 19.5 không chấp hành Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam là rất coi thường lãnh đạo tỉnh; đồng thời “vắt chanh bỏ vỏ” - bỏ rơi NLĐ, nhất là những nữ công nhân cao tuổi, không thể xin việc ở chỗ khác, sắp đến thời điểm nghỉ hưu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn