MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến người lao động

ANH THƯ LDO | 28/10/2022 14:12
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, không ít doanh nghiệp cố tình trây ỳ, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh.

Hiện nay, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là hơn 14.500 tỉ đồng, chiếm 3,38% số phải thu.

Theo cơ quan bảo hiểm xã hội, nguyên nhân của tình trạng chậm đóng từ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của một số doanh nghiệp chưa cao.

Không ít doanh nghiệp cố tình trây ỳ để nợ kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm 2022, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp đôn đốc rà soát dữ liệu thuế, kế hoạch đầu tư.

Ngành phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu hằng tháng về thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 nhằm giảm số tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ông Phạm Tuấn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, chỉ trong tháng 8 và tháng 9, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện thanh tra đột xuất tại 2.233 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên và có số nợ lớn.

Bên cạnh đó, ngoài việc yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động thực hiện kịp thời nghĩa vụ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế mới phát sinh còn thu hồi hơn 250 tỉ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũ. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Theo ông Cường, trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm, thông qua công tác thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã thu hồi 4.383 tỉ đồng tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, trong đó năm 2021 là 2.445 tỉ đồng, 9 tháng năm 2022 là 1.938 tỉ đồng.

Đặc biệt, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những tháng cuối năm 2022, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố áp dụng triệt để các giải pháp thu hồi nợ. Trong đó, các đoàn thanh tra chuyên ngành tập trung thanh tra phương thức đóng, linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm thanh tra bằng việc mời đơn vị đến làm việc tại cơ quan, rút gọn thời gian thanh tra…

Song song với việc tăng cường thu hồi nợ, giảm tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó, góp phần vào việc tăng thu, phát triển người tham gia bảo hiểm.

Đặc biệt, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn