MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk đang rất “khát” công nhân lao động. Ảnh: Bảo Trung

Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk thiếu công nhân dù đơn hàng tăng

BẢO TRUNG LDO | 07/03/2024 11:13

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang “khát” công nhân lao động để kịp thời đảm bảo tiến độ các đơn hàng trong quý II và III/2024. Ngoài ra, một số khác có nguyện vọng đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất tại địa bàn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất.

Tuyển chưa đủ công nhân

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk: Từ đầu năm 2024 đến nay, có hơn 600 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại địa phương, với số lượng hơn 10.000 người. Đơn vị đang đa dạng hóa các hình thức giới thiệu, kết nối tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện kết hợp tham gia 7 phiên giao dịch việc làm lưu động tại 2 huyện Ea Súp và Krông Bông. Cùng với đó, đơn vị còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác lao động, việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm tại hội chợ, ngày hội văn hóa diễn ra tại các địa phương.

Qua đó, tư vấn việc làm, nghề nghiệp, xuất khẩu lao động và các chế độ chính sách cho gần 10.000 lượt người, trong đó, giới thiệu việc làm khoảng gần 300 người.

Có một thực tế rằng, hiện rất nhiều doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang khát công nhân lao động, cần tuyển dụng với số lượng lớn nhưng tuyển mãi vẫn chưa đạt đủ “quân số”.

Đại diện một công ty sản xuất lông mi (đóng chân tại Cụm công nghiệp Tân A, TP Buôn Ma Thuột) thừa nhận, đơn vị đang cần tuyển dụng hơn 2.000 công nhân lao động từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay. Tuy nhiên, dù đã thông tin tuyển dụng, mức lương cao, chế độ đãi ngộ, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ nhưng số lượng công nhân vẫn chưa đủ.

Tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột), một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tuyển dụng nhiều lao động vào làm việc ở các vị trí như may mặc, kế toán, kinh doanh, phiên dịch viên, lái xe nâng, vận hành máy, điện nước...

Theo đại diện một chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc (đóng chân ở khu vực trên), sắp tới doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 2.000 công nhân với mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng để đảm bảo đơn hàng chuyển cho đối tác nhưng khá khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Thiếu đất đầu tư, phát triển

Ngoài việc, doanh nghiệp “khát” nhân công, nhiều đơn vị khác đang bế tắt khi muốn thuê đất, kho bãi trong các khu, cụm công nghiệp tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột vì đã hết chỗ trống. Cả Cụm công nghiệp Tân An lẫn Khu công nghiệp Hòa Phú ở địa bàn thành phố hiện quỹ đất đã hết, số bỏ không thì đã có chủ và sắp triển khai phương án xây dựng kho, bãi, cơ sở kinh doanh.

Một chủ doanh nghiệp dự kiến đầu tư sản xuất bao bì tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột nhiều tháng qua đã đi khảo sát nhiều địa điểm, nhắn hỏi không biết bao nhiêu đơn vị có thẩm quyền nhưng đều nhận được thông tin hết quỹ đất tại những khu vực mong muốn đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh.

Được biết, Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch vào năm 2017. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành khảo sát lập đề xuất dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Khu công nghiệp thuộc địa phận huyện Cư M’gar được UBND tỉnh phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 với tổng diện tích quy hoạch hơn 313ha.

Ông Trương Hồ Anh Hoàng - Phó Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk thông tin, đến đầu tháng 3.2024, các thủ tục cần thiết đang ở khâu cuối cùng và hy vọng địa phương sẽ được Trung ương cho phép sớm xây dựng được khu công nghiệp quan trọng này. Bởi các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đang thiếu quỹ đất, nhiều doanh nghiệp cũng đang có nguyện vọng vào đầu tư vào tỉnh ở nhiều lĩnh vực quan trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn