MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ở Đắk Nông tham gia chế biến hạt mắc ca. Ảnh: P.T.

Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông khó tuyển dụng dụng lao động

Phan Tuấn LDO | 02/07/2022 16:40

Đắk Nông - Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản ở tỉnh Đắk Nông đang bước vào vụ thu hoạch nên các nhà máy chế biến cần tuyển dụng lao động để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động đang xuất hiện, các doanh nghiệp đang phải xoay xở để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. 

Công ty TNHH Thái Thịnh, ở huyện Đắk Song đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến chanh dây và sầu riêng xuất khẩu. Đây là thời điểm doanh nghiệp đang cần tuyển dụng số lượng lớn để đáp ứng các đơn hàng của nhiều đối tác trên thế giới.

Ông Nguyễn Hàm Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Thịnh cho biết, hiện đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 120 lao động phục vụ cho hoạt động chế biến nông sản.

Để thu hút được lao động, công ty đang có nhiều chính sách đãi ngộ như tham gia bảo hiểm, bố trí chỗ ăn, ở… cho công nhân. Mức lương dao động từ 7,5-8,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca.

"Mặc dù có nhiều ưu đãi so với giai đoạn trước nhưng việc tuyển dụng lao động là không hề đơn giản. Lao động địa phương hầu như không mặn mà hoặc chỉ làm việc theo thời vụ. Họ không có nguyện vọng gắn bó lâu dài" - ông Thái cho biết thêm.

Công ty TNHH Cao Nguyên Mơ Nông, ở huyện Tuy Đức hiện đang có khoảng 45-50 lao động tham gia sản xuất vào dây chuyền chế biến chanh dây. Đối với công nhật, công ty chi trả từ 220.000-260.000 đồng/người/ngày. Đây là mức trả công cho mỗi người làm việc ngày 8 tiếng theo quy định, chưa tính tăng ca. 

Riêng bộ phận múc chanh dây, số công nhân tại nhà máy hiện mới chỉ đáp ứng sản lượng sản xuất được từ 10-11 tấn/ngày. Trong khi, chỉ tiêu đưa ra là 15 tấn/ngày. Do đó, hiện nay, Công ty TNHH Cao Nguyên Mơ Nông đang cần thêm từ 15-20 lao động.

Theo ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH Cao Nguyên Mơ Nông thì việc tuyển dụng nhân công của công ty lại đang gặp nhiều khó khăn. Bởi phần lớn người lao động là người địa phương, họ đi làm không thường xuyên. Trong đó, có ngày người lao động đến khá đông nhưng có hôm lại nghỉ rất nhiều mà không báo trước. Chỉ có mùa mưa, khi không đi rẫy được, họ mới tới công ty tìm việc làm.

"Dự kiến, trong tháng 10.2022, công ty sẽ đưa một số lao động làm việc lâu năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội để họ gắn bó lâu dài. Trước hết, công ty sẽ ngồi lại, họp bàn với công nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Hiện nay, một số lao động thời vụ đang ngại ràng buộc về thời gian và đắn đo khi phải bỏ ra 2 ngày công để đóng phí bảo hiểm” - ông Long cho biết.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, dịch COVID-19 vừa mới đi qua nên nhiều người vẫn chưa có tâm lý làm việc trở lại. Một số lao động đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp, khi nào hết chế độ thì họ mới đi kiếm việc làm, lao động trở lại...

Trước thực tế một số nhà máy chế biến ở trên địa bàn tỉnh thiếu hụt lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Đắk Nông đã làm cầu nối trong việc gửi thông báo, thông tin tuyển dụng lao động của các công ty về các xã, phường, thị trấn... Khi người lao động có nhu cầu tìm việc làm thì sẽ giới thiệu cho các công ty tuyển dụng, giải quyết nhu cầu thiếu nhân công như hiện nay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn