MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khi bị Công ty Cổ phần Licogi Quảng Ngãi cho thôi việc, nợ lương..., cuộc sống của Nguyễn Thị Tiên (52 tuổi) ở thôn Thế Long, xã Tịnh Phong rơi vào cảnh khó khăn. Ảnh: Ngọc Viên

Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi nợ bảo hiểm xã hội

Ngọc Viên LDO | 23/02/2024 10:41

Hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp ở Quảng Ngãi chậm đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT, BHTN), với tổng số tiền khoảng 190 tỉ đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của doanh nghiệp, người lao động, tác động mạnh đến công tác thu, giảm tiền chậm đóng.

Việc xử lý tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài đối với các doanh nghiệp chậm đóng khó thu (phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn...) vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật đã làm cho tỉ lệ chậm đóng của tỉnh Quảng Ngãi đang ở mức cao so với bình quân chung cả nước.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Chính (60 tuổi) ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành cho biết: “Tôi từng làm việc ở Nhà máy Gạch Phong Niên - trực thuộc Công ty Cổ phần Licogi Quảng Ngãi. Sau khi nhà máy phá sản, họ nợ tôi 48 triệu đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp, 40 triệu đồng tiền hỗ trợ thôi việc, 48 triệu đồng tiền tôi bỏ ra để mua vật tư cho nhà máy. Giám đốc công ty hẹn đến tháng 9.2022 sẽ trả hết nợ cho tôi, nhưng đến nay họ chỉ trả vỏn vẹn 2 triệu đồng”.

Cùng chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Tiên (52 tuổi) ở thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh xin vào làm việc ở Nhà máy Gạch Phong Niên - trực thuộc Công ty Cổ phần Licogi Quảng Ngãi cũng bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Bà Tiên cho hay: “Tôi làm việc ở nhà máy trên được chục năm, tuy nhiên tháng 2.2020, tôi và hàng chục lao động khác bị công ty cho thôi việc đột ngột. Bị buộc thôi việc đã đành, công ty còn nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội… trên 31 triệu đồng, nhưng nay vẫn chưa trả”.

Ông Trương Quang Hùng - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, trong năm 2023, BHXH tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tại 175/157 đơn vị, đạt 115% so với kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao.

Ngoài ra, BHXH tỉnh đã thanh tra đột xuất chuyên ngành tại 18 đơn vị sử dụng lao động có số nợ từ 3 tháng trở lên và 3 đơn vị sử dụng lao động có đề nghị truy thu từ 6 tháng trở lên. Kết quả, thu hồi số tiền chậm nộp hơn 7,2 tỉ đồng; đồng thời, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 đơn vị sử dụng lao động, với số tiền xử phạt gần 418 triệu đồng.

Cũng theo ông Hùng, công tác thanh tra, kiểm tra góp phần giúp các đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm hơn trong thực hiện đăng ký tham gia và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Song, thực tiễn cũng cho thấy hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH còn nhiều khó khăn, hạn chế do chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN chưa đủ sức răn đe.

“Nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng cách ký kết hợp đồng lao động theo mùa vụ dưới 1 tháng, làm việc không liên tục, không đủ ngày công (không đủ 14 ngày/tháng), hoặc người lao động làm việc trên 1 tháng sau đó cho người lao động nghỉ việc” - ông Hùng cho biết thêm.

Để hạn chế đơn vị sử dụng lao động “lách luật”, trây ỳ đóng BHXH, BHYT, BHTN, ngay từ đầu năm 2024, BHXH tỉnh sẽ kiểm tra nội bộ ngành tại 4 cơ quan BHXH ở các địa phương; kiểm tra công tác khám, chữa bệnh tại 6 cơ ở; kiểm tra 1 tổ chức dịch vụ thu và 3 đại diện chi trả.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, xử lý chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn