MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LĐLĐ Thừa Thiên Huế phối hợp các đơn vị liên quan khám bệnh miễn phí cho đoàn viên, người lao động nữ. Ảnh: Công đoàn Huế.

Nhiều doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế nợ bảo hiểm xã hội hàng tỉ đồng

PHÚC ĐẠT LDO | 18/04/2024 17:03

HUẾ - Thừa Thiên Huế có nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm tiền tỉ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp nợ tiền tỉ

Số liệu từ Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 29.2.2024, toàn tỉnh hiện có 149 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trực thuộc LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý đang nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN với tổng số tiền nợ là 54,8 tỉ đồng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của 11.912 người lao động.

Theo số liệu từ BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế (cung cấp ngày 18.4.2024), loạt doanh nghiệp nợ số tiền bảo hiểm lớn có thể kể tên gồm:

Công ty TNHH Một thành viên Takson Huế (nợ hơn 10 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế (nợ hơn 5,4 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Cơ khí và xây dựng công trình 878 (nợ hơn 4,1 tỉ đồng), Công ty TNHH Giặt là Bình Minh (nợ hơn 2,2 tỉ đồng), Công ty CP Công nghiệp thực phẩm (nợ hơn 1,8 tỉ đồng), Công ty TNHH Việt Đức (nợ hơn 1,6 tỉ đồng),...

Tăng cường chia sẻ dữ liệu bảo hiểm

Theo BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, tình trạng chậm đóng, trốn đóng thời gian vừa qua diễn ra khá phổ biến tại nhiều doanh nghiệp và được thực hiện dưới nhiều hình thức như ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng, ký hợp đồng khoán công việc, chấm công dưới 14 ngày làm việc.

Thời gian qua, công tác ngăn ngừa các hành vi trốn đóng đã được các cơ quan chức năng đẩy mạnh các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động vẫn còn diễn ra khá phổ biến và có tính chất phức tạp hơn. Việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động.

Việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, cơ quan BHXH không có cơ sở để ghi nhận quá trình đóng và như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ BHXH của người lao động: Người lao động khi nghỉ việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, không được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu chẳng may trong quá trình làm việc xảy ra tai nạn lao động và đặc biệt không được tham gia BHYT để đi khám chữa bệnh nếu chẳng may ốm đau.

Trường hợp nếu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật BHXH, BHYT thì người lao động sẽ được cấp sổ BHXH và thẻ BHYT. Do vậy khi người lao động nếu chẳng may ốm đau thì đã có quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh cũng như người lao động sẽ được hưởng các chế độ BHXH: Thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp khi nghỉ việc và chế độ hưu trí về lâu dài.

Theo BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng, trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới, đơn vị cần tăng cường công tác chia sẻ dữ liệu do các ngành chức năng đang quản lý để trên cơ sở đó xác định số lượng doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho người lao động cũng như xác định doanh nghiệp đã đăng ký tham gia BHXH, BHYT đầy đủ cho người lao động hay chưa.

Thường xuyên thông tin về tình hình đăng ký tham gia BHXH, BHYT và tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp cho các cơ quan chức năng như: LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở LĐTBXH tỉnh, Cục Thuế tỉnh, để trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng ngành sẽ đưa công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đóng BHXH vào trong nội dung làm việc của các ngành. Thông qua đó, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định Luật BHXH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn