MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiền Giang vẫn duy trì mô hình sản xuất "3 tại chỗ". Ảnh: CTV

Nhiều doanh nghiệp ở Tiền Giang "xin" được sản xuất

Kỳ Quan LDO | 21/10/2021 15:40
Mới đây, 19 doanh nghiệp (DN) có nhiều công nhân lao động (CNLĐ) ở tỉnh Tiền Giang đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ phản ánh việc tỉnh Tiền Giang áp dụng quá mức cần thiết điều kiện hoạt động nhằm phòng, chống dịch COVID-19 làm hầu hết DN có nhiều CNLĐ không thể hoạt động, gây khó khăn cho cả DN và CNLĐ. Vì đâu đến nỗi ấy?

“Xin” được sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”

Trong thư gửi đến Thủ tướng, các DN cho biết, dù CNLĐ trong các DN đã được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày đạt hơn 80% nhưng vẫn chưa được vào nhà máy làm việc. Các DN được thông báo rằng, khi 100% CNLĐ tiêm đủ 2 mũi vaccine mới đủ an toàn để có thể cho DN hoạt động trở lại theo hướng "bình thường mới". Trước khi gửi thư đến Thủ tướng, các DN đã gửi thư “kêu cứu” đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nhưng nguyện vọng của họ đã không được đáp ứng.

Theo các DN, việc tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì mô hình sản xuất "3 tại chỗ" đã và đang gây khó khăn cho cả DN và CNLĐ. “Đã hơn 3 tháng nay, đa số CNLĐ tại các DN vẫn phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Chuỗi cung ứng đứt gãy, khách hàng quốc tế, DN và người lao động chúng tôi đều đã cạn kiệt kinh tế lẫn lòng tin với Tiền Giang" - lá thư viết.

Sản xuất “3 tại chỗ” trong 1 doanh nghiệp. Ảnh: CTV

Đại diện một DN trong KCN Tân Hương (huyện Châu Thành, Tiền Giang, xin không nêu tên) cho biết, sức chịu đựng của họ đã đến mức giới hạn. Vì vậy, họ phải gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ để cứu lấy những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng và cứu lượng nguyên vật liệu trị giá hàng nghìn tỉ đồng đang nằm kho nhiều tháng ròng, có nguy cơ hư hỏng.

Các DN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Tiền Giang không bắt buộc sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 địa điểm". Cùng với việc cho người lao động đang sinh sống tại vùng có cấp độ từ 1 - 3 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày được sử dụng xe cá nhân đi làm việc. Đồng thời cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc trong các DN.

Quá cầu toàn hay “sợ cành cong”?

Ông Nguyễn Nhật Trường - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang - cho hay, khi dịch COVID-19 bùng phát khu vực phía Nam, tỉnh Tiền Giang đã sớm triển khai thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” từ ngày 12.7 để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do việc thực hiện phòng, chống dịch còn nhiều thiếu sót cộng với chủng virus Delta phức tạp nên sau đó dịch bệnh đã bùng phát tại 10 DN với khoảng 1.000 ca F0. 

Ngày 5.8, địa phương đã phải tạm ngừng sản xuất “3 tại chỗ” để khắc phục, củng cố công tác phòng, chống dịch trong các DN, sau đó cho tiếp tục hình thức sản xuất này. Từ đó đến nay, có 76 DN với khoảng 17.000 CNLĐ trong các KCN tiếp tục sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” và không phát hiện thêm ổ dịch nào trong các DN.

Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết, dù địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh (Tiền Giang đã áp dụng cấp độ 2 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ), nhưng do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là khi lượng người từ ngoài tỉnh đổ về khá cao, trong khi tỉ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 còn khá thấp, nên địa phương chưa thể mở rộng điều kiện sản xuất như một số địa phương khác.

Cũng theo ông Mười, ngoài các DN sản xuất “3 tại chỗ”, địa phương cũng đã áp dụng “1 cung đường 2 điểm đến” (hoặc phối hợp cả 2 hình thức trên). Đối với huyện “vùng xanh” Tân Phước, nhiều CNLĐ đã được tự đi làm trong các DN trong KCN Long Giang. Đó là các DN có nhiều CNLĐ, còn đối với các DN có từ 50 CNLĐ trở xuống, địa phương đã thực hiện sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”, tức CNLĐ được tự đi về hàng ngày.

Ông Mười cũng cho biết, tỉnh Tiền Giang đang ưu tiên và đẩy nhanh tiêm vaccine cho CNLĐ để đủ độ “bao phủ”, giúp các DN trở lại hoạt động theo điều kiện “bình thường mới”. Dự kiến từ ngày 1.11, các DN sẽ sản xuất theo điều kiện “bình thường mới”, ban đầu ở quy mô vừa phải, sau khi ổn định sẽ nâng dần số lượng CNLĐ.

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, giai đoạn đầu tỉnh Tiền Giang được phân bổ nguồn vaccine rất hạn chế. Đến ngày 10.10, chỉ mới khoảng 45% CNLĐ trong tỉnh được tiêm mũi 1 đủ 14 ngày. Trong 10 ngày qua, lượng vaccine được tiêm mới tăng cao, tính đến hết ngày 20.10 đã có 100% CNLĐ được tiêm mũi 1 và khoảng 40% được tiêm mũi 2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn