MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty Cổ phần Công nghiệp caosu miền Nam trong giờ làm việc. Ảnh: Đức Long

Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM: F1 vẫn đi làm bình thường, F0 thì chưa

Nam Dương LDO | 25/03/2022 15:15

Tiếp tục nêu ý kiến về việc TPHCM vừa ra văn bản cho phép người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 (F1) đi làm với một số điều kiện, nhiều doanh nghiệp cho biết việc cho F1 đi làm thì bình thường, nhưng chưa thể tổ chức cho F0 đi làm việc.

Ông Lưu Kim Hồng – Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam – cho rằng việc doanh nghiệp cho F1 đi làm là hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề là người lao động sẽ tự giác test lại sau 5 ngày tiếp xúc với F0 để bảo đảm an toàn, chứ thực tế doanh nghiệp sẽ khó kiểm soát được hết việc này.

“Công đoàn sẽ phổ biến và nhắc nhở người lao động thực hiện đúng hướng dẫn để bảo đảm cho sức khỏe của bản thân và an toàn trong môi trường làm việc của nhà máy, qua đó duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động”, ông Hồng nói.

Ông Phạm Hồng Phú - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp caosu miền Nam - cho biết, thực tế doanh nghiệp vẫn bố trí cho F1 đi làm bình thường với tỉ lệ 30-50%. Công ty vẫn duy trì nghiêm ngặt thường xuyên 5K để bảo đảm môi trường làm việc an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Phú, việc cho F0 đi làm thì chưa thể thực hiện được. Bởi lẽ, số lượng người bị F0 thường bị lẻ tẻ nên không thể bố trí một dây chuyền riêng cho F0 làm việc. Mà nếu để F0 làm việc chung với những người khác thì tâm lý người lao động cũng lo ngại và dù có phòng dịch tốt thì vẫn có khả năng lây nhiễm cho ngừng công nhân khác. Rồi những người này lại về nhà và từ đó có nguy cơ gây lây nhiễm cho gia đình, nên không thể bố trí cho F0 đi làm, dù đó là những người không có triệu chứng.

Theo ông Phú, giải pháp hiện nay để bù đắp cho việc thiếu hụt lao động do bị F0 là doanh nghiệp phải tổ chức cho những người lao động chưa bị lây nhiễm hay đã bị nhiễm bệnh và điều trị khỏi gánh đỡ công việc của F0. Bởi thực tế cho thấy thời gian F0 nhiễm bệnh sau đó khỏi bệnh chỉ vài ngày, nên có thể khắc phục được bằng cách gánh công việc cho nhau.

Công nhân Công ty Cổ phần in số 7 rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng ăn trưa. Ảnh: Nam Dương

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần in số 7 – cũng cho biết quan điểm của ông là không nên cho F0 đi làm, bởi tác động của việc cách ly trong sản xuất công nghiệp sẽ làm giảm năng suất lao động rất lớn. Đồng thời, nếu bị lây lan thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng hơn cho doanh nghiệp.

Giải pháp cũng là những người còn lại sẽ gánh vác công việc cho F0. Các trường hợp đặc biệt, người lao động sẽ được phép làm việc online. “Dù muốn hay không, hay dù tốn kém kinh phí, doanh nghiệp vẫn nên duy trì chế độ xét nghiệm nhanh định kỳ để kịp thời phát hiện những trường hợp bị nhiễm bệnh để chăm sóc kịp thời sức khỏe cho người lao động và hạn chế lây lan trong môi trường doanh nghiệp”, ông Trung nói.

Còn giám đốc một doanh nghiệp chuyên về thương mại (xin giấu tên) thì cho rằng thực tế hiện nay, nhiều F0 không có người chăm sóc, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn đi chợ, đi khám, đi mua thuốc... Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, COVID-19 hiện vẫn là bệnh truyền nhiễm gây dịch, đồng thời các quy định hiện hành vẫn yêu cầu F0 phải cách ly và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Vì vậy, chưa thể cho phép F0 đi làm tại công ty dù có bố trí phòng làm việc riêng.

Với những người có thể làm việc online thì công ty bố trí làm việc ở nhà và nếu vẫn hoàn thành công việc thì được trả lương bình thường. Còn với những người bắt buộc phải làm việc tại doanh nghiệp thì vẫn phải cách ly, chỉ khi nào xét nghiệm âm tính thì mới được vào công ty làm việc để bảo đảm an toàn cho những lao động khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn