MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có khoảng 70% công nhân Công ty Nissei Eletric Việt Nam đã đi làm trở lại từ ngày 4.10. Ảnh: Đức Long

Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM thiếu hụt lao động khoảng 30% - 40%

Nam Dương LDO | 08/10/2021 14:29
Sau ngày 1.10, nhiều doanh nghiệp TPHCM hoạt động trở lại, nhưng vẫn có tình trạng thiếu hụt lao động.

Công nhân kẹt ở quê chưa thể quay lại TPHCM

Mặc dù công ty đã hoạt động trở lại từ ngày 4.10, nhưng ngày 8.10, chị Trần Thị Kim Hương - công nhân Công ty Nissei Electric Việt Nam - vẫn chưa trở lại làm việc được. Chị Hương cho biết, cuối tháng 7.2021, sau khi nhiều ngày chờ đợi nhưng không hết dịch, chị đã phải trở về quê (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và đến nay chưa biết cách nào để quay trở lại làm việc vì ôtô, tàu hỏa đều chưa chuyên chở người vào lại TPHCM.

Còn chị Vũ Thị Minh - cũng là công nhân của Công ty Nissei Electric Việt Nam, mặc dù nhà ngay ở tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách công ty chưa đầy 30km, cũng vẫn phải ở nhà vì lý do không gửi được con nhỏ 7 tuổi đang học lớp 2 cho ai trông để đi làm. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng chưa cho phép công nhân được sử dụng phương tiện cá nhân để đi làm tại TPHCM.

Những trường hợp trên chỉ là những ví dụ điển hình về việc doanh nghiệp thiếu lao động khi hoạt động trở lại.

Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam - cho hay, công ty đã thông báo làm việc lại bình thường từ ngày 4.10, nhưng chỉ có khoảng 70% lao động đi làm trở lại. 30% còn lại là công nhân về tỉnh chưa quay trở lại làm việc được, không có người trông con để đi làm, một số còn là F0 và vẫn đang phải cách ly, một số nghỉ thai sản…

Nhiều công nhân không gửi được con nhỏ trong khi trường học chưa hoạt động trở lại nên phải nghỉ việc ở nhà trông con. Ảnh: Đức Long

Tương tự, ông Huỳnh Tấn Diệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty Sài Gòn Precision - cho biết, bình thường công ty có khoảng 3.200 - 3.300 lao động. Khi dịch COVID-19 bùng phát, có khoảng 50% công nhân của công ty đã về quê và đến nay hầu hết chưa thể quay lại TPHCM để làm việc.

Để bù đắp lực lượng thiếu hụt, công ty đã phải đăng tuyển dụng gấp khoảng 500 công nhân với nhiều ưu đãi, nhưng mới chỉ tuyển được hơn 300 người. Tính chung, đến nay có khoảng 2.000 công nhân đi làm, tương ứng với 60% lao động, nhưng vậy thiếu hụt khoảng 40%.

Tăng ca để bù đắp lao động thiếu

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam - cho biết, sau gần 3 tháng phải tạm ngừng hoạt động, từ ngày 6.10, công ty đã hoạt động trở lại. Để bảo đảm an toàn, đến nay, công ty mới chỉ thông báo cho những công nhân ở TPHCM (chiếm khoảng 20% - 30% tổng số lao động) đi làm trở lại và đang xin phép cơ quan chức năng để đón các công nhân ngoại tỉnh để đi làm. Qua 3 ngày (từ 6-8.10), bình quân mới có khoảng hơn 13.000 công nhân trong tổng số khoảng hơn 16.000 người ở tại TPHCM đi làm, như vậy vẫn thiếu hụt khoảng 3.000 lao động so với dự tính.

Theo ông Phạm Văn Hiền - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất-Khu công nghiệp TPHCM (phụ trách các khu chế xuất Linh Trung 1, 2, khu công nghệ cao), có rất nhiều doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp đã hoạt động trở lại với tinh thần thận trọng, an toàn đến đâu, mở rộng sản xuất đến đó theo đúng hướng dẫn của Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM.

Đa số công nhân phấn khởi được đi làm trở lại sau thời gian dài phải tạm ngừng việc. Tuy nhiên, vẫn nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động với những lý do như công nhân về tỉnh chưa quay trở lại làm việc được, không có người trông con để đi làm, một số còn là F0 và vẫn đang phải cách ly, một số nghỉ thai sản… Một số doanh nghiệp đã tăng ca trở lại để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt do phải nghỉ thời gian dài.

Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2021 tại TPHCM cần khoảng hơn 43.600 đến  gần 57.000 chỗ làm việc. Ảnh: Đức Long

Quý IV cần khoảng 57.000 lao động

Ông Phan Kỳ Quan Triết - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM - cho hay, cuối năm là khoảng thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa (trước, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần).

Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2021 cần khoảng hơn 43.600 - gần 57.000 lao động, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian, tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - Thương mại; Dịch vụ phục vụ cá nhân, Bảo vệ; Công nghệ thông tin; Cơ khí - Tự động hoá; Vận tải - Kho bãi - Dịch vụ cảng; Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng; Kỹ thuật công trình xây dựng; Dệt may - Giày da…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn