MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cty TNHH Bán lẻ Phương Nam chi nhánh Nha Trang. Ảnh: PV

Nhiều doanh nghiệp trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng

NHIỆT BĂNG LDO | 15/05/2018 07:10
Tình trạng doanh nghiệp (DN) trả lương cho người lao động (NLĐ) thấp hơn mức lương tối thiểu vùng vẫn diễn ra phổ biến ở Khánh Hòa. Bên cạnh đó, tình trạng ký chuỗi (ký HĐLĐ nhiều lần để “né” đóng bảo hiểm) với NLĐ vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, nổi lên là tình trạng chủ DN huy động NLĐ làm việc tất cả các ngày trong tuần, dù người lao động chưa đồng ý.

Làm tất cả các ngày trong tuần

Mới đây, qua kiểm tra bảng thanh toán tiền lương cho NLĐ năm 2017 và các tháng 1, 2, 3.2018 tại Cty TNHH Vĩnh Tín Thành (số 75, đường Bạch Đằng, TP.Nha Trang), Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa ghi nhận trả mức lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Ví dụ như tháng 5.2017, chị P.T.H và P.T.S (nhân viên bếp): 3.530.000 đồng; Đ.T.H (nhân viên phục vụ): 3.530.000 đồng. Tháng 3.2018, anh N.N.H (bếp trưởng) chỉ được trả mức lương 4 triệu đồng và nhiều nhân viên bếp khác chỉ được trả với mức lương 3.530.000 đồng.

Tại DN này còn có 2 lao động chưa được ký HĐLĐ, mà chỉ thỏa thuận bằng lời nói. Qua kiểm tra hồ sơ NLĐ, cơ quan chức năng còn phát hiện có trường hợp ký chuỗi HĐLĐ, cụ thể, ông N.N.H là nhân viên bếp được ký 7 HĐLĐ liên tục có thời hạn dưới 3 tháng từ ngày 1.1.2017 đến 31.3.2018. Qua kiểm tra bảng chấm công, DN đã huy động NLĐ làm việc tất cả các ngày trong tháng là không đúng quy định. Theo Thanh tra Sở LĐTBXH, NLĐ làm việc với DN với các chức danh kế toán, kinh doanh nhưng DN này cũng không ký HĐLĐ là chưa đúng quy định.

Tình trạng huy động NLĐ làm thêm giờ nhưng chưa được sự đồng ý của NLĐ cũng xảy ra tại Cty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi 3 (số 30, Trịnh Phong, Nha Trang). Qua kiểm tra, cơ quan chức năng của Sở LĐTBXH còn phát hiện DN này thực hiện làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần và vượt quá số giờ làm thêm theo quy định. Cụ thể như vào tháng 10.2017, ông N.N.P, bà T.T.L phải làm thêm 32 giờ (4 ngày thứ 7). Tháng 3.2018, 2 NLĐ này vẫn tiếp tục làm việc trong điều kiện giờ giấc như vậy. Điều đáng nói là, dù đã ký thỏa ước lao động tập thể nhưng từ tháng 10.2017 đến tháng 3.2018, DN này áp dụng thời giờ làm việc cho NLĐ là 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần. Việc làm này cũng không đúng quy định tại nội quy lao động.

Ký HĐLĐ không đúng loại

Hiện nay, tại Khánh Hòa, có khá nhiều DN ký hợp đồng với NLĐ nhưng không cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ và NSDLĐ như phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác; chế độ nâng ngạch, nâng bậc, nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho NLĐ trong quá trình thực hiện hợp đồng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng ký không đúng loại HĐLĐ với NLĐ cũng khá phổ biến.

Tại Cty TNHH Bán lẻ Phương Nam chi nhánh Nha Trang (số 17, Thái Nguyên), qua kiểm tra hồ sơ NLĐ mới đây, Sở LĐTBXH phát hiện có nhiều trường hợp ký không đúng loại HĐLĐ (ký chuỗi) ở một số công việc như tạp vụ, bảo vệ, bếp. Cụ thể, bà Đặng Thị Lệ (nhân viên tạp vụ) được ký 4 HĐLĐ liên tục có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng (từ ngày 1.4.2014 - 1.4.2021); bà Nguyễn Thị Đăng Phương (nhân viên tạp vụ) được ký 4 HĐLĐ liên tục có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng (từ ngày 1.4.2014 - 3.4.2021); bà Nguyễn Thị Kim Thanh (nhân viên bếp) được ký 3 HĐLĐ liên tục có thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng (từ 1.9.2015 - 1.9.2019). Có DN như Cty TNHH Phước Tiến (số 83, Yersin, Nha Trang) tuy đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn với NLĐ nhưng hàng năm vẫn ký lại HĐLĐ với thời gian bắt đầu tại điểm ký lại. Cụ thể là trường hợp bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ký 5 HĐLĐ không xác định thời hạn từ 15.5.2013; bà Võ Thị Xuân Ngọc ký 5 HĐLĐ không xác định thời hạn từ ngày 1.8.2011. Nhiều NLĐ vì không nắm rõ quy định của pháp luật vẫn ung dung làm việc mà không biết quyền lợi hợp pháp của mình đang bị ảnh hưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn