MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều gia đình may mắn gửi được con cho cô giáo mầm non trông thêm tại nhà. Ảnh: Anh Thư

Nhiều hệ luỵ con công nhân vùng xanh, vùng vàng học online

NHÓM PV LDO | 09/11/2021 07:00
Sống xa quê, làm việc ở thành phố vốn đã không dễ dàng, biết bao công nhân có con nhỏ nghỉ học, học online do dịch COVID-19 lại thêm một mối lo.

Phân tâm lúc làm việc...

Ông Phạm Hồng Quân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cơ khí Đông Anh cho biết, trong các vùng xanh, vùng vàng nếu kéo dài việc học online của học sinh thì không chỉ ảnh hưởng đến các con mà ảnh hưởng cả bố mẹ. Phụ huynh rất khó quản lý con khi đang làm việc. Nhiều công nhân lao động đi làm nhưng không thể yên tâm làm việc khi con học online ở nhà, nhất là với trẻ cấp 1, cấp 2.

“Việc tập trung nghe giáo viên giảng bài mà không có sự giám sát của người lớn là rất khó với độ tuổi này. Nhà có điều kiện thì sử dụng camera để theo dõi con học nhưng cũng không thể nhắc nhở được vì chính bố mẹ cũng không thể vi phạm quy định cấm làm việc riêng trong giờ làm việc. Đối với công nhân lao động trực tiếp sản xuất có con học online thì sự phân tâm trong lúc làm việc khá nguy hiểm” - ông Quân bày tỏ.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần cơ khí Đông Anh, điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất và cả an toàn lao động.

Bên cạnh đó cũng cần nhìn rõ không phải công nhân lao động cũng đủ phương tiện cho con học online. Có gia đình công nhân lao động chỉ có một chiếc smartphone thì làm sao cho con học được. Điều kiện thuê trọ không phải nhà nào cũng có wifi, phí 3G cũng trở thành 1 khoản phải tính toán trong thu nhập vốn đã phải tằn tiện.

Ông Quân cho biết: “Con thì bé, đang học tiểu học hoặc mẫu giáo, ngồi cạnh còn không quản được nữa là đi làm. Công nhân lao động bị ảnh hưởng do COVID-19, thiếu việc làm, lương thấp hoặc có tháng không có lương, lo ăn cho cả nhà đã oải, giờ lại thêm kinh phí cho việc học online”.

Cần chính sách cụ thể hỗ trợ

Bà Phạm Thị Minh Nguyệt - Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn KHKT Hồng Hải (Bắc Ninh) - cũng bày tỏ ủng hộ cho học sinh được học trực tiếp ở trường, bởi như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Ngoài ra, nếu con đi học trực tiếp, công nhân lao động có con đang tuổi đi học sẽ an tâm hơn để đi làm việc.

“Bản thân tôi có 2 cháu đang đi học trực tiếp ở trường, thấy trường kiểm soát dịch rất tốt nên tôi rất an tâm” - bà Nguyệt cho biết.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho biết, bên cạnh việc ưu tiên phục hồi kinh tế, cần thực thi các giải pháp thỏa đáng trong giáo dục, đào tạo, văn hoá, xã hội bảo đảm an sinh lâu dài. Do đó, tuỳ tình hình cụ thể các địa phương mở cửa đón học sinh đến trường học tập, nhưng phải bảo đảm an toàn.

“Vấn đề là nếu tiếp tục học trực tuyến thì bố mẹ phải có thời gian giúp con học tập tại nhà, không tham gia lao động cũng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và quan trọng là không có thu nhập, thiếu lao động làm sao phục hồi sản xuất” - ông Lợi nhấn mạnh.

Vì vậy, theo ông Lợi, cần phải có chính sách cụ thể hỗ trợ để người lao động quay trở lại làm việc và chính sách để các cháu thực hiện giãn cách, đến trường an toàn, tạo cơ hội cho bố mẹ làm việc. Tuy nhiên, phải chấp hành các quy định của Chính phủ để an toàn trong “trạng thái bình thường mới” và điều chỉnh chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn