MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Chân chuyển về quê sinh sống sau thời gian làm công việc thời vụ. Ảnh: Phương Ngân

Nhiều lao động ngành may rời nhà máy về quê

Phương Ngân LDO | 23/08/2023 12:00

Tình trạng giảm đơn hàng sản xuất tại các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 và kéo dài sang quý II năm 2023, dẫn đến hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Trong số hàng trăm nghìn lao động mất việc, có không ít công nhân ngành may quyết về quê không trở lại nhà máy.

Lao động mất việc tập trung ở ngành dệt may, da giày

Theo Tổng Cục thống kê, thực trạng giảm đơn hàng đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp, đặc biệt là ngành dệt may, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Số lao động ở các ngành này trong quý II năm 2023 đều giảm so với quý trước, trong đó ngành dệt may chiếm tỉ lệ cao nhất là 142,5 nghìn người.

Trong khi đó, báo cáo nhanh từ các địa phương cho thấy số lao động giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II năm nay khoảng 241,5 nghìn người, tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 66,3%, tiếp theo là dệt may với 14,4%.

Số lao động bị mất việc trong quý II năm 2023 là 217,8 nghìn người, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Bình Dương (khoảng 83,2 nghìn người), TPHCM (khoảng 30,4 nghìn người), Bắc Ninh (khoảng 10,7 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 9,3 nghìn người),…

Tìm hướng đi khác

Làn sóng cắt giảm lao động kéo dài tại các doanh nghiệp đã khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh lao đao. Nhiều người bị mất việc cho biết, sau thời gian dài làm việc tại nhà máy, sức lao động của họ giảm sút, khi mất việc họ chọn về quê sinh sống và làm một công việc khác chứ không quay lại nhà máy.

Dù từng có ý định ở lại TPHCM xin việc khi bị mất việc ở công ty cũ, nhưng sau hơn 6 tháng bám trụ lại TPHCM, đi nhiều nơi không xin được việc, mới đây chị Nguyễn Thu Chân (quê Bạc Liêu) đã cùng đứa con trai lớn khăn gói về quê sinh sống.

Chị Chân từng là công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) bị cắt giảm cuối năm 2022. Sau khi mất việc, chị Chân đi xin việc nhiều nơi không được nên chị phải làm công việc thời vụ, ai kêu gì làm đó. Thu nhập từ công việc thời vụ ngày được khoảng 200 nghìn đồng nhưng công việc bấp bênh, hết hàng là không có thu nhập.

Mất việc, cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn. Khi ấy, chồng chị đưa 2 đứa con nhỏ về quê để giảm bớt chi phí, còn chị và đứa con trai đang học lớp 6 ở lại thành phố.

“Những người mất việc ai cũng về quê chỉ có tôi ráng bám lại thành phố, nhưng giờ không có việc, con lại sắp vào năm học mới nhiều chi phí phải lo nên tôi buộc về quê cho con học ở quê để đỡ chi phí” - chị Chân chia sẻ.

Chị Chân tâm sự, chị dự định làm đến khi sức khỏe không còn đảm bảo chị sẽ rời nhà máy, nhưng đột ngột bị cắt giảm khiến mọi kế hoạch của chị đảo lộn. Giờ đây, chị về quê để tìm công việc khác và dự định không trở lại nhà máy làm công nhân.

Với chị Trần Thị Cẩm Linh (từng là công nhân tại một công ty giày da tại KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức), sau Tết Nguyên đán năm 2023, thay vì trở lại nhà máy tại TPHCM làm việc, chị Linh quyết định ở lại quê nhà tại Đồng Nai làm việc.

Chị Linh kể, trước đây chị và chồng làm cùng công ty, sau đó chồng chị xin nghỉ việc tại nhà máy để về quê trồng mít, sầu riêng trên mảnh đất của gia đình. Không ít lần chị Linh có ý định rời nhà máy nhưng vẫn tiếc khoảng thu nhập hàng tháng từ việc làm công nhân. Tuy nhiên, cuối năm 2022 tình hình sản xuất khó khăn, thu nhập của chị bị ảnh hưởng do giảm giờ làm. Thiếu việc, thu nhập giảm sâu nên sau Tết chị Linh quyết ở lại quê nhà, từ bỏ công việc tại nhà máy đã gắn bó nhiều năm để cùng chồng trồng cây ăn trái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn