MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động cần có kỹ năng nghề, tránh khỏi làn sóng sa thải. Ảnh: Hạnh Hà

Nhiều lao động ở vị thế khó đàm phán lương, dễ bị sa thải

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/09/2023 08:19

Trong tình thế mất việc, nhiều lao động nhập cư buộc phải “di cư ngược”. Nếu không có kỹ năng, tay nghề, họ phải chấp nhận thu nhập thấp, dễ bị cắt giảm, đào thải.

Lao động có tay nghề luôn được ưu tiên

Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động TPHCM (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) - Nguyễn Lê Nhật Thanh cho biết, trong thời gian vừa qua, thị trường có nhiều biến động cùng với chi phí lao động tăng cao, cách mạng công nghiệp 4.0 khiến doanh nghiệp thay đổi theo hướng tự động hoá, nhà máy thông minh, giám sát quản lý từ xa...

Tuy nhiên, thực tế là xu hướng già hoá dân số cũng đặt ra thách thức cho việc tái đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng, tay nghề cho đội ngũ lao động. Từ đó, giúp họ giữ được vị trí công việc hiện tại và không bị thay thế bởi máy móc công nghệ, đáp ứng được nhu cầu về chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Ông Thanh ví dụ trường hợp người lao động bị sa thải trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm đơn hàng được báo chí phản ánh trong thời gian qua. Chị Cẩm - 1 nữ công nhân đã tưởng mình may mắn hơn nửa triệu người mất việc do làn sóng doanh nghiệp ngừng sản xuất từ cuối năm ngoái, vì còn bám trụ được cho đến nay. Ngay cả khi dịch COVID-19 hoành hành tại Thành phố Hồ Chí Minh, xưởng may ngừng việc, chị vẫn ở trong căn trọ chật chội để trở thành một trong những người đầu tiên quay về làm việc khi hết dịch.

“Nhưng nay, người phụ nữ miền Tây này phải hồi hương. Về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo rồi tính sau, như lời mẹ chị giục. Trong tình thế mất việc, nhiều lao động nhập cư như chị Cẩm buộc phải “di cư ngược” mang theo những giấc mơ rách toang” - ông Thanh chia sẻ.

Tháng 1.2023, VCCI phối hợp với Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) khảo sát báo cáo tác động COVID-19 đến lao động di cư. “Chúng tôi khảo sát các ngành nghề dệt may, da giày… Kết quả, có 18/41 doanh nghiệp khảo sát cho biết thiếu hụt lao động; trong đó, 77% đơn vị thiếu hụt lao động phổ thông và lao động tay nghề, có chuyên môn cao” - ông Thanh chia sẻ.

Ông Thanh thông tin, báo cáo khảo sát cho thấy doanh nghiệp cần lao động có tay nghề, có kỹ năng số, họ ưu tiên người lao động trẻ tuổi, khỏe mạnh.

Nâng cao kỹ năng số cho người lao động

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng nêu ra một số thách thức tình hình lao động Việt Nam trong thời gian vừa qua như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, nguy cơ khó kiểm soát tỉ lệ thất nghiệp; đặc biệt là trong những lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mất an toàn, an ninh thông tin.​
Để cải thiện tình trạng này, ông Đào Trọng Độ chia sẻ một số định hướng đào tạo cho lực lượng lao động. “Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò của kỹ năng số; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về đào tạo, đánh giá, công nhận kỹ năng số; Tăng cường điều kiện đảm bảo về phát triển kỹ năng số cho người lao động” - ông Độ chia sẻ.

Cũng theo ông Độ, nâng cao năng lực hệ thống thi, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin và chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kỹ năng số cho người lao động cũng là các biện pháp không thể thiếu.

Còn Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động TPHCM đề xuất, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường nâng cao nhận thức về kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, người lao động hiện tại.

Về vĩ mô, cần đảm bảo cơ sở vật chất, hạ tầng thông suốt, giảm khoảng cách, chênh lệch giữa hạ tầng ở thành thị và nông thôn. Đồng thời, cũng cần có cơ chế liên kết doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn