MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ phải sang: Chị Bùi Thị Bích Hồng và chị Đinh Thị Phụng phản ánh vụ việc với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Quế Chi - Anh Thư

Nhiều năm chưa trả tiền trợ cấp thôi việc cho công nhân

Anh Thư - Quế Chi LDO | 09/12/2019 16:08
Mặc dù người lao động (NLĐ) đã chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật với Công ty Cổ phần May Thanh Trì (Cụm Công nghiệp Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhưng sau nhiều năm, công ty này vẫn “phớt lờ”, chưa chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi đó, NLĐ có hoàn cảnh rất khó khăn, phải “chạy ngược, xuôi” rất nhiều lần để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Gian nan đòi quyền lợi

Gửi đơn thư đến Báo Lao Động, chị Đinh Thị Phụng (SN 1966, ở Vạn Phúc, Thanh Trì) và chị Bùi Thị Bích Hồng (SN 1970, ở Ngũ Hiệp, Thanh Trì) có cùng chung một đề nghị, đó là nhờ Báo Lao Động lên tiếng để Công ty (Cty) Cổ phần May Thanh Trì chi trả tiền trợ cấp thôi việc mà nhiều năm qua Cty còn “nợ” họ.

Chị Đinh Thị Phụng cho biết, chị bắt đầu vào làm việc tại Cty từ năm 1994. Năm 2014, chồng chị bị bệnh hiểm nghèo (bị tai biến mạch máu não nặng), chị đã xin chấm dứt hợp đồng lao động (dài hạn). Sau đó, Cty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị từ ngày 1.11.2014. “Trước khi viết đơn xin nghỉ, tôi đã làm đơn báo trước 45 ngày theo Luật định và không vi phạm bất cứ quy định nào của Cty. Tuy vậy, Cty sau đó đã không trả trợ cấp thôi việc cho tôi” - chị Phụng khẳng định.

Tương tự như chị Phụng, chị Bùi Thị Bích Hồng cũng đã gắn bó, làm công nhân (CN) Cty trong nhiều năm. Chị Hồng chia sẻ: “Vợ chồng tôi cùng làm CN. Với đồng lương ít ỏi, chúng tôi rất áp lực trang trải cuộc sống, trong khi phải nuôi 3 con. Vì hoàn cảnh gia đình hoàn cảnh khó khăn như vậy, năm 2016, tôi đã làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động (dài hạn) với Cty. Sau đó, Cty ra quyết định cho chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1.8.2016”.

Cũng như chị Phụng, chị Hồng khẳng định, trước khi viết đơn xin nghỉ, chị đã báo trước 45 ngày đúng quy định của Bộ luật Lao động và không vi phạm bất cứ quy định nào của Cty.

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hai chị đã nhiều lần đến tận Cty để đòi tiền trợ cấp thôi việc. Tuy vậy, 2 chị cho biết, Cty cứ khất lần, khất lữa; cứ mỗi lần lên lại hẹn vài tháng nữa sẽ giải quyết. Theo ước tính của các chị, số tiền trợ cấp thôi việc của chị Hồng có thể được nhận là gần 20 triệu đồng; còn của chị Phụng là khoảng 14 triệu đồng. Tuy nhiên, các chị cho hay, mỗi lần xuất hiện tại Cty, lãnh đạo Cty đưa ra rất nhiều lý do và đùn đẩy hết người này đến người kia trả lời NLĐ. Đến tận bây giờ, hai chị vẫn mòn mỏi chờ đợi khoản tiền trợ cấp thôi việc của mình.

Chị Hồng kể: “Từ năm 2016 đến nay, không thể đếm được số lần tôi đến Cty để đòi quyền lợi. Theo quy định của Bộ luật Lao động, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Vậy mà 3 năm nay, tôi vẫn chờ đợi quyền lợi của mình trong vô vọng”.

Còn chị Phụng bức xúc: “Giờ đây, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được Cty trả trợ cấp thôi việc - quyền lợi chính đáng lẽ ra được hưởng từ lâu. Chúng tôi cần một câu trả lời chính xác đến khi nào được nhận trợ cấp thôi việc. Thời gian qua, việc đi lại nhiều lần và chờ đợi đã gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng cuộc sống hiện tại của NLĐ”.

Công ty viện lý do: Khó khăn

Để tìm hiểu về vụ việc, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Kim Hoàng - Giám đốc Cty Cổ phần May Thanh Trì. Ông Hoàng cho biết, hiện Cty Haprosimex nắm giữ 53% cổ phần của Cty May Thanh Trì. Cty Haprosimex đã được Cty TNHH mua bán nợ Việt Nam tiến hành tái cơ cấu từ năm 2016.

Ông Hoàng cho rằng, ông chưa bao giờ nói không trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ; nhưng ông viện dẫn lý do tình hình sản xuất của Cty khó khăn nên Cty không cân đối được để chi trả cho NLĐ.

Ông Hoàng nói cụ thể hơn: Do nguồn lực của Cty hạn hẹp, phải ưu tiên việc đóng bảo hiểm, công ăn việc làm cho những NLĐ còn đang làm việc tại Cty nên chưa thể giải quyết trợ cấp thôi việc cho những trường hợp như chị Hồng, chị Phụng. Theo ông Hoàng, khó khăn của Cty kéo dài từ 2015 đến nay.

Nói về hướng giải quyết, ông Hoàng cho hay, ông chỉ là giám đốc điều hành, vì vậy, muốn giải quyết vụ việc, phải báo cáo lại Hội đồng quản trị Cty, phải cân đối tài chính trong TCty. Ông Hoàng cho biết thêm, ông sẽ đề xuất theo hướng trả dần dần cho NLĐ. Khi hỏi thời hạn chi trả cho NLĐ, ông Hoàng nói sẽ cho biết cụ thể sau khi họp với cơ quan chức năng, đơn vị chủ quản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn