MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều ngành tại TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu nguồn lao động

Phương Ngân LDO | 09/04/2023 09:35

TP Hồ Chí Minh - Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may không có đơn hàng phải cắt giảm lao động, giãn việc, thì nhiều doanh nghiệp ở ngành nghề khác vẫn đang thiếu người lao động, có nhu cầu tuyển dụng.

Hơn 70.000 vị trí việc làm trong quý II/2023

Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh, trong quý II/2023, thành phố cần tuyển từ 67.000 – 73.000 lao động, tập trung ở các ngành dịch vụ và ngành công nghiệp trọng yếu.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh mở sàn giao dịch việc làm tại bến xe vào tháng 2.2023. Ảnh: Phương Ngân 

Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố như: vận tải kho bãi; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú, ăn uống… cần tuyển 38.800 - 42.300 lao động (chiếm 58%).

Ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu: chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất-cao su-nhựa; cơ khí; điện tử, cần tuyển 14.000 - 15.000 lao động (chiếm 21%).

Ông Lâm cho biết thêm, bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ.

Trong quý II/2023, ngành lao động thành phố sẽ tổ chức 47 phiên, sàn giao dịch việc làm. So với cùng kỳ năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,16% và số chỗ việc làm mới tăng 0,03%.

Khó tuyển lao động đạt yêu cầu

Trong khi nhiều người lao động thất nghiệp, ở một số ngành nghề cần lao động vẫn khó tìm kiếm được ứng viên phù hợp. Đơn cử trong ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn có nhu cầu tuyển dụng nhưng vẫn khó tìm được ứng viên.

 Sinh viên tham gia sàn giao dịch việc làm tại Công viên 23.9. Ảnh: Phương Ngân

Sau đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực của ngành du lịch thành phố mất cân đối trầm trọng. Tại TP Hồ Chí Minh vấn đề nguồn nhân lực du lịch đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và công tác đào tạo trong giai đoạn phát triển du lịch.

Theo bà Nguyễn Thị Yến Xuân, Trưởng phòng Nhân sự Khách sạn Kim Đô, cũng như nhiều đơn vị trong ngành du lịch khác, nhu cầu tuyển dụng của đơn vị lúc nào cũng cần. Đặc biệt sau dịch, số lượng lao động tại doanh nghiệp giảm sâu. Bên cạnh đó, do tính chất công việc vất vả, lao động phải đứng và đi lại nhiều, thậm chí phải khiêng bàn, ghế, dọn dẹp… nên lao động chỉ làm một thời gian rồi nghỉ việc.

Bà Xuân cho biết, khó khăn khi tuyển dụng lao động trong ngành này là mức lương, đặc biệt với đơn vị trực thuộc nhà nước, mức lương thường được quy định sẵn, không thể linh hoạt để cạnh tranh với các đơn vị tư nhân. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên ra trường hiện nay, ngoại ngữ rất yếu, nhưng để tuyển được một sinh viên có trình độ ngoại ngữ tốt thì mức lương thấp không thể cạnh tranh được với nhiều đơn vị khác.

“Mỗi năm các trường đào tạo ra mấy nghìn sinh viên, tuy nhiên con số bỏ nghề cũng rất nhiều. Dù chúng tôi cũng đã kết nối với các trường, có những buổi gặp gỡ, trao đổi với sinh viên trước, nhưng thực tế nhiều sinh viên vẫn nói rằng nghề này cực quá chắc các em sẽ không theo. Chính vì đặc thù công việc trong ngành rất cực nên thường các bạn nghỉ việc rất nhiều, nhất là sau Tết, khoảng tháng 3, tháng 4. Do đó nhu cầu của đơn vị trong giai đoạn sau Tết rất là nhiều”, bà Xuân chia sẻ.

Nếu như trước đây ngành du lịch thành phố trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng. Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn