MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Lưu Thị Dung (công nhân KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) nhận trông trẻ tại nhà để kiếm thêm chút thu nhập. Ảnh: Bảo Hân

Nhiều nữ công nhân nghỉ việc khi mang thai, sinh con

Bảo hân LDO | 12/04/2022 11:21
Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều nữ công nhân, sau khi mang thai, sinh con đã nghỉ luôn việc. Điều này khiến cuộc sống gia đình công nhân rất khó khăn.

Nghỉ việc để trông con  

Trước đây, chị Lưu Thị Dung (thuê trọ tại chung cư CT1A, xã Kim Chung huyện Đông Anh, Hà Nội) làm công nhân KCN Thăng Long, Hà Nội. Năm 2019, chị mang thai, nghỉ sinh, rồi nghỉ việc từ đó đến nay. “Thời điểm đấy, công việc tôi làm khá nặng nhọc, thai yếu, e ngại ảnh hưởng đến thai nhi, nên tôi xin nghỉ” - chị Dung cho hay. Khi con được hơn 1 tuổi, do không có ai trông con, nên chị Dung vẫn tiếp tục nghỉ làm. Tính đến nay, chị Dung nghỉ việc đã được gần 3 năm.  

Khi con cứng cáp, chị Dung bán hàng online để kiếm thêm thu nhập, cùng với chồng chăm sóc gia đình. Chồng chị Dung chuyên lắp điều hoà, thu nhập không ổn định. “Thu nhập của anh ấy được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Vào mùa hè, thu nhập nhiều hơn một chút” - chị Dung nói.  

Một tháng nay, chị Dung nhận thêm công việc trông các con của các gia đình công nhân. Những vợ chồng công nhân này phải đi làm ca, kíp nên không có thời gian trông con. Chị Dung thu 80.000 đồng/ngày trông. Tính ra, một tháng chị được thêm 1-2 triệu đồng với công việc trông trẻ này. Với tổng thu nhập như trên, vợ chồng chị phải tằn tiện chi tiêu mới đủ trang trải các khoản sinh hoạt, từ tiền thuê nhà (hơn 2 triệu đồng/tháng) tới tiền ăn uống. “Tôi dự định sắp tới, cháu cứng cáp hơn một chút, rồi gửi cháu đến trường mầm non. Sau đó, tôi sẽ đi xin việc trở lại” - chị Dung cho hay.  

Chị Dung đã chốt bảo hiểm xã hội, nhưng điều chị khá lo lắng là chị đã 31 tuổi, liệu có dễ xin việc hay không. 

Không có ý định trở lại làm công nhân  

Giống như chị Dung, chị Hoàn (thuê trọ tại xã Mai Châu, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng nghỉ việc sau khi mang thai, sinh con sau hơn 2,5 năm làm công nhân.  

“Tôi nghỉ việc vào năm 2020. Thời điểm đấy, sau khi con được 6 tháng, tôi đi lấy chế độ thai sản, rồi nghỉ luôn” - chị Hoàn cho hay. Nguyên nhân chị Hoàn đưa ra là chị cảm thấy chán công việc ở công ty. Trước đó chị Hoàn đã kinh doanh online, bắt đầu có khách. Vì vậy, chị dự định sẽ kiếm sống bằng nghề mới này. Hơn nữa, nghỉ làm ở công ty, chị sẽ có thời gian chăm sóc con. Nếu tiếp tục đi làm, chị buộc phải thuê người trông, hoặc gửi con về quê. 

Chị Hoàn cho biết, mình không có ý định trở lại làm công nhân.

 “Hiện tại, công việc kinh doanh online của tôi đã khá ổn định. Thu nhập đủ giúp trang trải cho cuộc sống gia đình. Hơn nữa, ở nhà, tôi có thời gian chăm sóc cho con” - chị Hoàn chia sẻ. 

Hiện chị Hoàn đã chốt sổ bảo hiểm xã hội 2,5 năm. Tuy nhiên, chị vẫn đang xếp sổ bảo hiểm xã hội ở một góc, chưa đóng tiếp. 

“Thu nhập hiện tại của tôi chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, nếu đóng bảo hiểm tự nguyện thì sẽ không đủ. Thời gian này, tôi chưa có ý định đi làm tiếp để tham gia đóng bảo hiểm xã hội, nên sổ đành phải để đấy, đợi sau này tính tiếp” - chị Hoàn cho hay. Thay vì “tính kế” trở lại làm công nhân, chị Hoàn tham gia khoá học bấm huyệt để dự định sau này sẽ làm công việc này, kiếm thêm thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống gia đình.

Năm 2019, Viện Công nhân và Công đoàn và tổ chức Oxfam đã thực hiện nghiên cứu mang tên “Tiền lương không đủ sống và hệ luỵ” nghiên cứu một số doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam. Trong nghiên cứu này, khi tiến hành khảo sát, những người quản lý ở một vài công ty cho biết, một trong những lý do xin thôi việc phổ biến của công nhân nữ là con nhỏ, không có người chăm nom. Nhiều công nhân được khảo sát nói “vì không đủ tiền nuôi con cộng với áp lực công việc nên xin thôi việc”. Những công nhân may được khảo sát, nhiều người là trụ cột kinh tế chính của gia đình và có cả những trường hợp, lương của họ là nguồn thu duy nhất trong gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn