MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hoàng Thị Vinh trong phòng trọ ngày đầu tiên trở lại đi làm. Ảnh: Phương Chi

Nhiều nữ lao động phải làm thêm để đảm bảo cuộc sống

Phương Chi - Lê Hoa LDO | 20/02/2024 09:00

Phải tha hương làm việc, cuộc sống của nhiều nữ công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người trong số họ phải chấp nhận xa chồng con, phải tăng ca, làm thêm để có tiền nuôi các con ăn học…

Xa chồng con để mưu sinh

Trong căn phòng trọ rộng khoảng 15m2 tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội, chị Hoàng Thị Vinh (sinh năm 1995, quê ở Thanh Hóa) vừa sắp xếp đồ đạc ở quê mang ra vừa trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống gia đình.

Chị Vinh chia sẻ, chị có 2 con nhỏ nhưng ở quê ít việc nên đành để con ở nhà, mỗi tháng sẽ về thăm con 1 lần.

Trước đây, công ty nhiều đơn hàng, công nhân lâu năm như chị tổng thu nhập cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Từ ngày có bầu em bé thứ ba, không phải tăng ca nên chỉ nhận được mức lương cơ bản hơn 7 triều đồng/tháng. Trừ đi tiền thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt, đi lại… cũng không còn dư là bao, chỉ đủ tiền mua sữa cho 2 con nhỏ ở nhà.

Tết năm nay, gia đình nữ công nhân có thêm khoản chi tiêu vì có hơn 7 triệu đồng tiền thưởng Tết của công ty. Chị Vinh dự định, lần này sinh xong sẽ xin nghỉ việc rồi về quê xin làm công nhân gần nhà.

“Quê tôi, lương công nhân ở mức 5 triệu đồng/tháng nếu tăng ca nhưng bù lại không tốn tiền thuê nhà, được ở gần để có thời gian chăm sóc gia đình và con cái” - chị Vinh nói.

Đầu năm mới, sắp tới sẽ bắt đầu một hành trình mới ở quê hương, chị Vinh hy vọng sớm tìm được công ty, có việc làm ổn định, được tăng ca đầy đủ.

“Tôi mong muốn về quê công việc thuận lợi hơn, có nhiều việc làm hơn, có thu nhập cao hơn để có đời sống tốt hơn” - chị Vinh bày tỏ.

Làm thêm nhiều việc

Trở lại phòng trọ sau nghỉ Tết, căn phòng trọ của mẹ con nữ công nhân Cao Thị Thùy Trang (KCN Thăng Long, Hà Nội) không thể thiếu bánh chưng, giò chả.

Chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con, chị Trang bươn chải làm thêm nhiều việc để có thể đảm bảo cuộc sống. Người mẹ quê Nam Định này làm công nhân được 20 năm, chồng mất đã 7 năm nay. Năm trước, ít làm thêm khiến thu nhập của chị không ổn định, chỉ khoảng 7-8 triệu đồng mỗi tháng.

Trước cửa phòng trọ tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội chất đống những quả bưởi mới được chị thu mua từ bãi nổi sông Hồng về để bán.

“10.000 đồng 1 quả, tôi bán lại cho đồng nghiệp công ty hay những người trong xóm trọ. Ai cũng xa quê mưu sinh nên tôi chỉ lấy giá vừa phải” - chị Trang nói.

Để có thêm tiền nuôi 3 con đang tuổi ăn học, ngoài bán bưởi, chị còn bán nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Nhờ công việc làm thêm này, chị có thêm thu nhập để lo cho gia đình. Động lực lớn nhất để chị cố gắng cày cuốc chính là các con, chỉ cần con được học hành đến chốn, người mẹ này sẽ không quản vất vả.

“Chỉ còn tôi là chỗ dựa lớn nhất cho các con, suốt nhiều năm qua, tôi không cho phép bản thân được yếu lòng, nếu buồn khiến cuộc sống tốt hơn thì tôi sẽ buồn. Còn không, tôi vẫn phải cố gắng từng giờ” - người phụ nữ 40 tuổi nói.

Khảo sát về “Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện từ tháng 6-8.2023 cho thấy, hơn 60% lao động nữ di cư có tiền lương hằng tháng dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng; 95,5% đã có con, tuy nhiên nhiều người chấp nhận phải xa con hoặc sống trong điều kiện thiếu thốn về nhà ở, phương tiện sinh hoạt cũng là vì tương lai của con cái họ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn