MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu tập thể của Công ty than Hòn Gai, phường Cao Xanh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nhiều thợ lò nghèo không đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội

Nguyễn Hùng LDO | 07/10/2023 07:36

Quảng Ninh - Có rất nhiều điều kiện mà người lao động phải hội đủ thì mới được xét mua nhà ở xã hội. Trong đó, với điều kiện “mức thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sau khi giảm trừ gia cảnh” thì nhiều thợ lò nghèo, chưa có nhà của ngành than bị loại đầu tiên.

Bị loại vì... thu nhập cao

Lý do, theo đại diện Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, những năm gần đây, thu nhập của công nhân, lao động, nhất là đội ngũ thợ lò của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) - ngày một tăng

Tiền lương bình quân của toàn tập đoàn là trên 16,8 triệu đồng/tháng/người. Đặc biệt, trong nhóm thợ lò, nhiều người có mức thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Năm 2023, toàn tập đoàn có hơn 3.200 thợ lò có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, trong đó có nhiều thợ lò có mức thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm.

Thợ lò luôn làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nhưng vẫn đóng thuế thu nhập cao như bất cứ ngành nghề nhẹ nhàng khác. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ông Lê Thanh Xuân – Chủ tịch Công đoàn TKV – nhiều thợ lò, dù đã giảm trừ gia cảnh và nộp thuế thu nhập thì số còn lại vẫn cao hơn 11 triệu đồng/tháng và như thế không đạt một trong tiêu chí để được xét duyệt mua nhà ở xã hội là: có mức thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, phần lớn thợ lò đều ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa và gia đình khó khăn. Hàng nghìn người trong số đó vẫn phải tự đi thuê nhà, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ.

Hiện, hầu hết các khu tập thể của các công ty than ở Quảng Ninh đều chỉ bố trí phòng ở cho các thợ lò độc thân. Khi vợ, con của các thợ lò ở quê ra thăm ngắn ngày thì được bố trí ở một số phòng “hạnh phúc” ít ỏi trong các khu tập thể. Một số thợ lò đưa vợ con ra Quảng Ninh sinh sống, buộc phải ra ngoài thuê nhà trọ.

Đề xuất đưa vào diện đặc thù

Theo một số thợ lò ở Yên Bái, Hà Giang, sau khi giảm trừ gia cảnh và nộp thuế thu nhập…, kể cả với số tiền còn lại nhiều hơn 11 triệu đồng/tháng thì cũng khó có thể mua nhà thương mại ở Hạ Long vì giá cao, chi phí sinh hoạt ở Quảng Ninh luôn trong tốp cao nhất cả nước, trong khi hầu hết đi thợ lò là để có tiền gửi về quê.

Theo Công đoàn TKV, một trong những lý do thợ lò bỏ việc là do vợ, con ở quê, khi theo chồng ra Quảng Ninh vừa phải đi thuê nhà, vừa không có việc làm ổn định rồi con cái đi học nên làm đến đâu tiêu hết đến đó, không có tích lũy.

Công đoàn TKV phối hợp với doanh nghiệp xây nhà ở xã hội tư vấn mua nhà ở xã hội cho công nhân ngành than. Ảnh: Nguyễn Tiến

Thực tế, nhiều người xác định ngay từ đầu, rằng chỉ đi làm thợ lò vài năm kiếm chút tiền rồi về quê. Vì thế, có những năm, số bỏ nghề tương đương với số lượng ngành than tuyển mới.

Tại buổi tư vấn cho người lao động ngành than mua nhà ở xã hội tại Quảng Ninh ngày 6.10.2023, bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch Công đoàn TKV – kiến nghị Quốc hội và Quảng Ninh có cơ chế đặc thù cho lao động ngành than về nhà ở, trong đó không áp dụng tiêu chí về thu nhập tối thiểu.

Trước đây, ngành than từng có đề xuất nâng mức đánh thuế thu nhập với thợ lò bởi dù làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nhưng thợ lò vẫn phải đóng thuế thu nhập cao như bất cứ ngành nghề nhẹ nhàng khác.

TKV hiện có 50 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với tổng số lao động hơn 76.000 người, đa phần là người ngoại tỉnh. Từ năm 2000 đến nay, Tập đoàn đã triển khai đầu tư xây dựng được 21 chung cư tập thể cao tầng tại 14 đơn vị sản xuất than hầm lò, bố trí chỗ ở cho 7.202 người (tập thể: 6.694 người; hộ gia đình: 238).

Tuy nhiên, hiện nay ngành than mới chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu nhà ở xã hội cho CNLĐ. Thực tế, hàng nghìn thợ lò vẫn phải tự thuê chỗ ở, không đảm bảo đầy đủ các điều kiện sống, ảnh hướng đến sức khoẻ, đời sống và giảm chất lượng lao động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người lao động chưa thực sự yên tâm, gắn bó lâu dài với nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn