MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm 2022. Ảnh AT

Nhìn lại mức tăng lương tối thiểu vùng qua các năm

ANH THƯ LDO | 17/04/2022 07:57
Mới đây, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận thông qua phương án tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1.7.2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, tất cả 17 thành viên của hội đồng đều bỏ phiếu đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng.

Tuy nhiên, có 15 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu từ ngày 1.7.2022, hai thành viên còn lại đồng ý tăng lương nhưng thời điểm tăng từ ngày 1.1.2023.

Hội đồng chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với hiện hành từ ngày 1.7.2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Như đã trao đổi với Báo Lao Động, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, về mức tăng trên vẫn chưa thực sự hài lòng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp cũng đang khó khăn, còn nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, với tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nên chấp nhận mức tăng lương này.

Với đề xuất này, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được thông qua) sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng; vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng; vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng; vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng. Cụ thể:

Vùng 1: Tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng.

Vùng 2: Tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng.

Vùng 3: Tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng lên 3,64 triệu đồng.

Vùng 4: Tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.

Trước đó, qua các phiên đàm phán, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng lên 5,3% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng lên 5,5% so với mức lương tối thiểu năm 2019. 

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, mức lương tối thiểu vùng năm 2021, trước 1.7.2022 chưa tăng. Hiện nay, theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng với vùng 1 là 4,420 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, từ khi thành lập đến nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia luôn có những ý kiến khác nhau từ phía đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động. Đại diện người sử dụng lao động – VCCI - cho rằng tiền lương là chi phí.

Vì vậy, họ luôn đưa ra quan điểm, tính toán chi phí làm sao cho hợp lý với năng suất, khả năng chịu đựng tồn tại với doanh nghiệp.

Còn phía đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì tiền lương là sàn để thoả thuận những mức lương khác. Cho nên, khi sàn này nâng lên thì mức lương khác vô hình chung được thoả thuận cao dần.

“Bao giờ, trong những phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia đều có những ý kiến khác nhau. Phía Nhà nước luôn lắng nghe các bên, phân tính những phương án từ các bên đưa ra. Ở đây, cần tìm ra phương án dung hoà, các bên có thể chấp nhận được” – ông Huân nói.

Theo chuyên gia này, lợi ích chia sẻ cần hài hoà là câu chuyện phải bàn bạc, tính toán. Sau khi các bên đề xuất những phương án về mức tăng lương tối thiểu, thường xảy ra những ý kiến trái chiều. Trong phiên đàm phán, tìm được tiếng nói thống nhất rất khó. Ở đây, chỉ có thể đưa ra phương án để các bên gần nhau hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn