MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người lao động đầu tiên được chi trả tiền hỗ trợ từ nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Thanh Dũng - BHXH tỉnh Quảng Nam

Nhìn lại việc thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp, lao động năm 2021

ANH THƯ LDO | 31/12/2021 21:09
Dưới sự tác động của dịch COVID-19, nhiều gói an sinh xã hội đã được triển khai, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người lao động trong 1 năm qua.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao chủ trì việc thực hiện các Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 (Gói 26.000 tỉ đồng),  số 116/NQ-CP ngày 24.9.2021 (Gói 38.000 tỉ đồng), số 126/NQ-CP ngày 8.10.2021 của Chính phủ và các Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021, số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1.10.2021, số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Gói 26.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là trên 33.505 tỉ đồng.

Gói an sinh hỗ trợ trên 28,26 triệu lượt đối tượng, bao gồm 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 27,88 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.244 tỉ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (3.118 tỉ đồng), Đồng Nai (2.787 tỉ đồng), Hà Nội (2.063 tỉ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.742 tỉ đồng), Bắc Giang (858 tỉ đồng), Long An (737 tỉ đồng), Khánh Hòa (505 tỉ đồng).

Về kinh phí hỗ trợ, theo tính toán dự kiến ban đầu không bao gồm kinh phí do địa phương bố trí để hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù, tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ (gói 26.000 tỉ đồng) đến nay đạt 52,32% kế hoạch dự toán.

Gói 38.000 tỉ đồng

Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10.2021 đến tháng 9.2022) khoảng 7.595 tỉ đồng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 364.875 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 12.165.786 lao động thuộc diện được hỗ trợ.

Có 351.566 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 12.105.125 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.636.875 người.

Có 28.827 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.800.278 lao động (gồm 11.709.841 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.437 người đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ 30.323 tỉ đồng.

Tổng số tiền đã chi trả là 30.069 tỉ đồng cho 12.698.562 người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân.

Một số chính sách an sinh xã hội khác

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 46 tỉnh, thành phố hỗ trợ 14,68 tỉ đồng cho 3.321 trẻ em, gồm 2.840 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em – số tiền 14,2 tỉ đồng) và 481 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ em – số tiền 481 triệu đồng).

Năm 2021, tính đến tháng 11.2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp 6.343,095 tấn gạo hỗ trợ 422.873 người (115.538 hộ) thiếu đói dịp giáp hạt; hỗ trợ 739,86 tấn gạo cứu đói cho 12.957 hộ với 49.324 nhân khẩu thiếu đói do thiếu đất lúa sản xuất vụ Hè Thu năm 2021.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp 141.971,19 tấn gạo hỗ trợ cho 9.464.746 người (2.412.311 hộ) thiếu đói do đại dịch COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn