MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Thuỷ (công nhân KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) kèm 2 con học bài. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhọc nhằn kiếm tiền nuôi con ăn học

Hà Anh - Bảo Hân LDO | 02/04/2022 08:30
Trong số các khoản chi tiêu của gia đình công nhân, nuôi con ăn học luôn chiếm một tỉ lệ lớn. Nhiều vợ chồng công nhân chấp nhận vất vả làm thêm, tăng ca để có thêm thu nhập dành cho các con.

Đồng lương “còi” gánh gồng nuôi 3 con ăn học 

Hiện nay, mức thu nhập của chị Đặng Thị Thủy (sinh năm 1987, làm việc tại KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) vào khoảng hơn 6,5 triệu đồng/tháng (kể cả làm thêm giờ). Và với mức thu nhập trên, chị Thuỷ đang phải một mình nuôi 3 con đang tuổi ăn học. Chồng chị không may bị tai nạn giao thông, qua đời cách đây hơn 10 năm. 

Chia sẻ về khó khăn mà 4 mẹ con gặp phải trong đời sống thường ngày, chị Thuỷ cho biết: “Căng thẳng nhất là chi phí ăn học của 3 cháu. Cháu trai lớn, học lớp 8, tiền học phí 1 kỳ là 1,8 triệu đồng, còn 2 đứa con gái (sinh đôi), học lớp 8, học phí và ăn bán trú là 3 triệu đồng/tháng. Chỉ tính riêng tiền ăn học của các cháu đã hết gần 3/4 tháng lương của em nên em phải co kéo mới đủ trang trải cuộc sống. Một ngày em chi khoảng gần 100.000 đồng để mua thực phẩm cho gia đình, phần lớn để nhường cho các con - bởi chúng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Còn bữa chính của em là suất ăn ca tại công ty”.  

Từ đầu năm học 2021-2022, các con phải học online, tuy nhiên do thu nhập kém nên chị Thuỷ không có tiền mua máy tính cho các con học, đã phải nhường điện thoại của mình để mỗi sáng 2 cô con gái lên mạng vào Zoom học; còn cháu lớn, chị phải mượn điện thoại của chị gái để con học bài. Sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Thuỷ, một bạn đọc thông qua Báo Lao Động đã tặng các con chị Thuỷ một máy Ipad để các cháu học online và hiện nay các cháu vẫn đang sử dụng để học bài… 

Khi chúng tôi hỏi, với mức thu nhập hơn 6,5 triệu đồng/tháng, tiền ăn học chi cho các cháu tốn kém thì những lúc chẳng may con ốm, mẹ đau thì tiền đâu ra để chữa bệnh. Chị Thuỷ bảo: “Em nói thật, với mức thu nhập như hiện nay, tiền ăn hằng ngày em còn phải “bóp mồm, bóp miệng” còn chẳng đủ thì làm gì có tích luỹ. May mà mẹ con em còn có nhà để ở (chị được công đoàn Hà Nội hỗ trợ tiền xây nhà - PV), không phải thuê đấy. Những lúc có việc cần kíp, em phải vay mượn người thân trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm… Sau đó chờ đến khi nào có khoản thưởng của công ty thì tích cóp trả nợ dần!”. 

Nói về mong ước của tương lai, chị Thuỷ chia sẻ: “Em chỉ mong con em khoẻ mạnh, không ốm đau để học tập và em còn đủ sức khoẻ để đi làm kiếm tiền nuôi con. Ngoài ra, em cũng muốn được tăng lương để vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Bởi hiện nay giá các mặt hàng đều tăng chóng mặt còn lương thì vẫn “còi, chậm phát triển”. Em cũng muốn được tăng ca làm thêm giờ nhiều, nhưng em không đủ sức khoẻ và phải dành thời gian chăm lo cho các cháu. Bởi em không muốn diễn ra cảnh, mình đi làm từ sáng tinh mơ, về nhà thì gà đã lên chuồng...!”. 

Gửi tiền về quê nuôi con  

Gửi 2 con ở Thanh Hoá, nhờ ông bà chăm sóc, vợ chồng anh Khánh làm đi làm công nhân tại KCN Thăng Long (Hà Nội).  

Nam công nhân có 8 năm gắn bó với khu công nghiệp này cho hay, hiện lương cơ bản của anh được gần 6 triệu đồng. Năm trước, lương cơ bản được tăng thêm gần 300.000 đồng; còn năm nay, chỉ được tăng 93.000 đồng. “Nếu có làm thêm, thu nhập của tôi được cao hơn, khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, tháng cao nhất được 11 triệu đồng/tháng; nếu không, thu nhập của tôi chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Số giờ làm thêm, thu nhập của tôi tuỳ vào tình hình sản xuất của công ty. Vợ tôi cũng có thu nhập tương tự” - anh Khánh nói.  

Với mức thu nhập trên, mỗi tháng, vợ chồng anh phải gửi khoảng 5 triệu đồng về cho ông bà trông nom 2 cháu (học lớp 6 và 5 tuổi). Anh Khánh bảo, gửi con về quê nên đỡ các khoản chi phí hơn; nếu các cháu ở cùng với bố mẹ ngoài Hà Nội thì sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Ngoài ra, vợ chồng công nhân này còn phải trả tiền thuê nhà (1 triệu đồng/tháng), tiền điện nước (200.000-300.000 đồng/tháng); tiền ăn uống (3 triệu đồng/tháng)… “Vừa qua, giá xăng, giá các loại mặt hàng nhất là thực phẩm tăng, khiến cuộc sống của vợ chồng tôi khó khăn hơn” - anh Khánh chia sẻ.  

Anh Khánh nói, mỗi tháng, nếu có làm thêm và chi tiêu chắt chiu, dành dụm, vợ chồng anh có thể dành dụm được 5 triệu đồng/tháng. Số tiền này, anh dùng để sau này sửa chữa nhà cửa, mua sắm vật dụng ở quê. “Tôi dự định chỉ làm công nhân một thời gian nữa rồi về quê, không có ý định gắn bó ở đây lâu. Với mức thu nhập như hiện nay, vợ chồng tôi không thể mua nhà ở Hà Nội” - anh Khánh bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn