MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động nữ nông thôn lên thành phố kiếm sống. Ảnh: PV

Nhọc nhằn lao động nữ nông thôn bám trụ lề phố

HOA LÊ LDO | 06/03/2018 11:00
Bên cạnh lao động (LĐ) nữ trong khu vực chính thức, rất nhiều LĐ nữ đang phải làm việc trong khu vực phi chính thức với rất nhiều rủi ro, rào cản. Họ hầu hết là những phụ nữ nông thôn phải rời bỏ quê nhà, bám vào lòng đường, vỉa hè, làm công việc tay chân nặng nhọc để mưu sinh tại các thành phố lớn. Với thu nhập ở thành phố lớn và tằn tiện chi tiêu, những người lao động này cũng gửi được về nhà một số tiền khá hơn thu nhập ở quê.

Dễ bị tổn thương

Với chiếc xe đạp cũ rích, ngày nào chị Nguyễn Thị Hoa (39 tuổi, Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) cũng “nhồi” bằng được vài chục cân hoa quả rao bán khắp Hà Nội. Quê gốc ở Yên Mỹ (Hưng Yên), từ khi 17 tuổi, chị Hoa đã đi bán hoa quả ở thủ đô, đến nay cũng được 20 năm. Vừa cân xoài cho khách, chị Hoa vừa kể: “Chúng tôi có đến hơn chục chị em rủ nhau thuê một phòng trọ nhỏ hẹp, tính ra mỗi người chịu 400.000 đồng/tháng. Một tháng đi bán hàng đều đặn cũng cho thu nhập 6 triệu đồng, trừ chi tiêu được 4 triệu đồng gửi về quê cho gia đình. Thu nhập cao hơn ở quê nên vất vả mấy cũng bám trụ cho bằng được”.

Nhiều người đã gọi nghề bán hàng rong là nghề “lang thang”, bám vào lòng đường, vỉa hè để mưu sinh từ 3h sáng cho đến tối muộn, chị Hoa nghẹn ngào: “Biết bao nhiêu năm đi bán hàng, tôi rơi vào không ít những tình huống tủi thân. Không được bán hàng trên vỉa hè, nên tôi phải đạp xe mỏi rã rời rao bán khắp các phố phường, khách hàng muốn mua họ phải gọi lại. Nhiều khi, đang đi đường những người dân xung quanh thấy vướng víu, họ không ngại ngần xẵng giọng: “Đồ nhà quê, đi đường nghênh ngang” hoặc một số khách hàng không thuận mua nói gay gắt, không tôn trọng mình”.

Là người bán hoa dạo ở Lục Nam (Bắc Giang), chị Dương Thị Vân (36 tuổi, thị trấn Lục Nam, huyện Lục Nam, Bắc Giang) cho biết: “Nghĩ mỗi người mỗi nghề, mình không có học hành đàng hoàng nên phải làm lao động chân tay. Bán hàng hoa chục năm nay tại Lục Nam, nhiều khi bạc mặt với trời nhưng cũng chỉ đủ ăn. Theo tôi, chỉ phụ nữ mới làm những công việc như bán hàng rong, giúp việc gia đình, rửa bát thuê… Chính đặc điểm công việc này khiến người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, tự ti hơn những công việc của nam giới”.

Theo báo cáo của Mạng lưới hành động vì LĐ di cư, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu LĐ đang làm việc trong khu vực phi chính thức với điều kiện LĐ không đảm bảo. Tỉ lệ LĐ nữ trong khu vực phi chính thức phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của LĐ nam trong khu vực này. Phần lớn LĐ trong khu vực phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn. Không ít những phụ nữ nông thôn phải rời bỏ quê nhà, bám vào lòng đường, vỉa hè, làm công việc tay chân nặng nhọc để mưu sinh tại các thành phố lớn. Với thu nhập ở thành phố lớn và tằn tiện chi tiêu, những NLĐ này cũng gửi được về nhà một số tiền khá hơn thu nhập ở quê.

Trước sự phân biệt rõ rệt về giới và LĐ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong khu vực LĐ phi chính thức, bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) - cho biết: “LĐ nữ có những thiệt thòi hơn rất nhiều LĐ nam. LĐ nữ trong khu vực này làm những công việc không được công nhận như LĐ giúp việc gia đình, người bán hàng rong… Họ không có hợp đồng LĐ nên không được tiếp cận chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội nên chịu rất nhiều thiệt thòi”.

Không tiếp cận các chính sách an sinh xã hội

LĐ trong khu vực phi chính thức có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng LĐ hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thời gian làm việc dài nhưng thu nhập lại thấp. Chị Trần Thị Chức (37 tuổi, quê xã Bình Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng rời quê hướng xuống Hà Nội tìm việc làm phù hợp. Dù làm nghề giúp việc nhiều năm tại một vài gia đình, giống như nhiều phụ nữ làm giúp việc gia đình khác, chị Chức không hề biết đến công việc của mình cần hợp đồng LĐ và hưởng các chế độ quyền lợi khác ngoài mức lương. Chị Chức cho biết: “Chúng tôi không biết đến những chế độ bảo hiểm như thế nào và cũng không được tư vấn để bảo vệ quyền lợi của mình. Từng nghĩ, chục năm nữa khi không còn sức khỏe để LĐ tay chân thì sẽ sống ra sao. Tuy nhiên, ngoài số tiền lương được trả, chúng tôi nào dám đòi hỏi gì hơn với các chủ nhà”.

Trước những thực trạng này, bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc GFCD - cho rằng: “LĐ nữ đóng góp một phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, về phía cơ quan hoạch định chính sách nên có cái nhìn đúng mức, công bằng với tất cả lực lượng LĐ trong xã hội. Tạo cơ hội cho LĐ nữ trong khu vực phi chính thức tiếp cận chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện”.

Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho biết: “Về vấn đề chính sách, không có sự phân biệt về lương và việc làm giữa LĐ nữ và nam, tuy nhiên thực trạng có hiện tượng chênh lệch về việc làm và thu nhập giữa hai giới. Cụ thể, LĐ nữ nghỉ hưu sớm hơn như vậy họ sẽ thiệt hơn. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi của LĐ nữ trong khu vực chính thức có một số vấn đề, còn trong khu vực phi chính thức, bản thân công việc trong khu vực này đã không ổn định, thu nhập đã rất thấp. Đây là vấn đề lâu dài tính làm sao thu hẹp khu vực phi chính thức lại để bảo vệ quyền lợi nhiều hơn cho đối tượng LĐ này”.

“Tôi có khuyến nghị mở rộng phạm vi Bộ luật LĐ sang khu vực phi chính thức, ví dụ lương tối thiểu phải tính theo giờ nhưng phải áp dụng trong khu vực phi chính thức để bảo vệ NLĐ. Xem xét chế độ an sinh, bảo hiểm. Khắc phục dần dần những chênh lệch về quyền lợi của LĐ nữ thể hiện qua chính sách nhà nước và tuyên truyền cho giới chủ, người thuê LĐ. Giới chủ phải có trách nhiệm xã hội, đừng chỉ nghĩ đến sử dụng LĐ nữ mà không đáp ứng quyền lợi LĐ cho họ” - ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn