MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đã quá 12 giờ trưa nhưng bác Tiến vẫn chưa kịp ăn cơm vì vẫn mong muốn kiếm thêm được chút nào hay chút ấy. Ảnh: Dịu Lan

Nhọc nhằn những cuốc xe ôm công nghệ

Dịu Trần – Thu Lan LDO | 04/10/2019 12:00

Xe ôm công nghệ là một trong những nghề “hot’ nổi lên trong những năm gần đây. Tuy nhiên, công việc này cũng rất vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mới đây, sự việc nam sinh năm nhất Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội bị sát hại  đã khiến dư luận vô cùng bàng hoàng và thêm phần cảm thông với những vất vả, hiểm nguy mà các tài xế xe ôm công nghệ phải trải qua. 

Gọi là xe ôm công nghệ là bởi đây là một loại hình gọi xe thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng của hãng rồi đăng kí tài khoản là có thể sử dụng. Chính bởi sự tiện lợi, mức giá hợp lý và đặc biệt không bị "chặt chém” mà dịch vụ xe ôm công nghệ ngày càng phát triển mang lại thu nhập ổn định cho tài xế. Nhưng liệu rằng công việc này có dễ dàng? 

Nhọc nhằn

Tài xế xe ôm công nghệ đa dạng theo độ tuổi, nghề nghiệp: Từ sinh viên, công nhân đến cả những người lớn tuổi. Nhìn vào những lái xe công nghệ, người ta thường nghĩ đến mức thu nhập khá, công việc dễ dàng, không phải mất công tìm khách. Nhưng có làm mới biết hết những vất vả của nghề.

Vì hoàn cảnh khó khăn và muốn có mức thu nhập ổn định lo cho gia đình, nhiều lái xe “lao vào” nhận chuyến đến quên ăn mất ngủ. Anh N.V.Thắng (25 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết, vào những đợt cao điểm anh chạy xe từ 3 giờ sáng đến khoảng 11, 12 giờ đêm, về đến nhà cũng không ngủ trọn giấc lại xách xe đi ngay vi “hấp lực” của đồng tiền. Có những hôm mải chạy xe quá mà cả ngày anh chỉ ăn đúng một bữa, dù biết là hại cho sức khỏe nhưng cũng không thể làm khác được. 

Thù lao từ chạy xe ôm là nguồn thu nhập chính của gia đình, bác T.M.Tiến (60 tuổi, quê Nam Định) lên Hà Nội làm xe ôm đã được 10 năm. Trước đây, bác là xe ôm truyền thống nhưng từ khi xe ôm công nghệ “lên ngôi” đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Bởi vậy bác đã cố dành dụm mua một chiếc điện thoại thông minh chạy Grab. Tuổi cao, mắt mờ nên cứ mỗi lần có khách đặt chuyến, đôi mắt bác lại nheo vào nhìn một hồi lâu vào màn hình. 

 Trầm ngâm nhìn dòng người qua lại, bác kể bất cứ khi nào có người cần, không kể sáng tối, nắng mưa bác đều nhận hết. “Lớn tuổi, nhiều lúc trong người cũng cảm thấy không khỏe nhưng có người gọi là bác vẫn đi. Đi làm thì mới có tiền chứ ở nhà lại càng ốm thêm” - bác Tiến cho biết . Trên khuôn mặt sương gió đã điểm nhiều nếp nhăn, bác vẫn hàng ngày mưu sinh ở nơi xứ người để tích cóp từng chút một gửi về cho gia đình trang trải ở quê. 

Nguy hiểm cận kề 

Đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, họ phải đối mặt với những nguy cơ từ khói bụi trên đường, tai nạn giao thông…Nhưng đôi khi nỗi sợ hãi đối với những xe ôm công nghệ lại chính từ vị khách của mình.

Những phút nghỉ trưa hiếm hoi giữa những cuốc xe của anh Hoàng. Ảnh: Dịu Lan 

Lau vội giọt mồ hôi trên trán sau khi vừa hoàn thành một cuốc xe, anh Hoàng (22 tuổi, quê Hà Nội) liền kể cho chúng tôi nghe về “chuyện nghề”. Anh là con út trong gia đình có hai chị em, nhưng người chị lại bênh tật còn bố mẹ tuổi cũng đã cao nên học hết cấp ba anh phải nghỉ học để chạy xe ôm phụ giúp gia đình.

 Quãng thời gian chạy xe ôm, đặc biệt là khi mới vào nghề, anh phải đối mặt với không ít nguy hiểm. Quỵt tiền cũng có, cướp giật cũng có và có khi là cả mạng sống bị đe dọa. Giọng run run, anh Hoàng kể một lần khách chỉ đường vòng vèo cho anh ra một khu đất trống rồi dí dao vào cổ để xin tiền. Hóa ra đây là một tên nghiện và cũng may mắn là sau khi lấy tiền hắn đã bỏ đi. Bấy giờ anh như được trở về từ cõi chết bởi ở đó có kêu cũng không ai biết mà đến cứu. 

Khổ cực, gian nan là vậy nhưng khi được hỏi có tiếp tục theo nghề không anh cười và đáp: “Có chứ, anh còn làm để phụ gia đình”. 

Mỗi nghề đều có những vất vả, khó khăn riêng và nghề xe ôm công nghệ cũng vậy. Đối với những người lao động, dẫu công việc có vất vả đến đâu chỉ cần có thêm thu nhập lo cho gia đình họ sẵn sàng làm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn