MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hiền đang thuê trọ tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Nhọc nhằn nuôi con ăn học

Bảo Hân - Minh Phương LDO | 01/09/2022 22:22
Nhiều cha mẹ công nhân sống cùng các con trong những căn phòng trọ chật chội. Gánh nặng chi phí nhiều hơn khi con cái ở cùng, nhất là khi vào đầu năm học mới, khiến cuộc sống của họ đã khó khăn, lại càng vất vả hơn...

Mẹ nghỉ việc, con thường xuyên ốm đau  

Cả tháng nay, chị Tạ Thị Hiền (thuê trọ tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) phải nghỉ ở nhà do công ty không có việc. Từ một người có thu nhập bình quân ăn theo sản phẩm khoảng 7 triệu đồng/tháng, có tháng tăng ca nhiều thì được 9-10 triệu đồng, chị Hiền không có đồng nào trong tháng 8 này.  

Vì vậy, hiện mọi chi phí trong nhà đều trông chờ vào thu nhập của người chồng - làm lao động tự do. Thu nhập của chồng chị không ổn định. Nếu có việc đều, anh mang về nhà khoảng hơn 10 triệu đồng, nhưng nếu ít việc, chỉ khoảng 6-7 triệu đồng. Trong khi đó, cuộc sống ở trọ rất nhiều thứ phải chi. 

“Riêng tiền nhà, điện nước đã tốn khoảng 1,7-1,8 triệu đồng/tháng; tiền ăn của gia đình khoảng 5 triệu đồng/tháng... Hai con lại thường xuyên ốm đau, nhập viện liên tục, nên tính ra, tổng chi phí của cả gia đình lên tới 15 triệu đồng/tháng” - nữ công nhân quê Bắc Ninh chia sẻ. 

Với mức chi phí trên, nếu cả 2 vợ chồng đều đi làm, thì tổng thu nhập mới chỉ vừa đủ, nhiều khi thiếu hụt còn phải vay mượn của đồng nghiệp, trả lại vào kỳ lương. Hiện giờ, thu nhập của gia đình sụt giảm một nửa nên chị Hiền phải vay mượn nhiều hơn. Nữ công nhân này cho hay, vừa rồi phải vay hơn 7 triệu đồng để có tiền đưa con đi khám bệnh, đợi chồng có lương sẽ trả.  

Theo chị Hiền, nếu để các con ở quê, nhờ ông bà trông thì sẽ giảm chi phí, đỡ tốn kém hơn, nhưng do các con ốm đau thường xuyên nên chị muốn được gần con để tiện chăm sóc các cháu. Hơn nữa, chị Hiền lo lắng, các cháu thường xuyên bị ốm ông bà sẽ không đủ sức trông nom, chăm sóc.

Nữ công nhân này càng lo lắng hơn khi đây là năm đầu tiên cả 2 con của vợ chồng chị - 4 tuổi và 3 tuổi - bắt đầu đến trường mầm non. Tuy xin được vào trường công, chi phí ít hơn trường tư thục, nhưng đến trường đồng nghĩa với tăng nhiều hơn các khoản tiền, trong khi đó, chị lại đang bị ngừng việc, không có thu nhập.

“Bố mẹ ở đâu, con ở đó”

Giống với vợ chồng chị Hiền, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long - quyết định không gửi con về quê vì “bố mẹ ở đâu, con ở đó”. 

Vợ chồng chị Nhung có 2 cô con gái, một cháu năm nay học lớp 10, cháu còn lại học lớp 6. Vào đầu năm học, với cô con gái học lớp 10, tiền đồng phục, điều hoà, tiền học hè đã tốn khoảng 2 triệu đồng; còn con út, chị mới đóng tiền học hè trong tháng 8 khoảng 500.000 đồng. 

Hiện lương cơ bản của chị Nhung ở mức 8 triệu đồng, nếu tăng ca thì thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng theo chị Nhung, rất ít khi công nhân được làm thêm giờ nên tiền lương của chị thường chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Đồng lương của cả 2 vợ chồng công nhân trung bình ở mức 20 triệu đồng/tháng, nhưng chị Nhung vẫn đầu tư cho con học thêm ở những môn còn yếu. Chị kể, tháng vừa rồi, riêng tiền học thêm môn Toán, Hoá, tiếng Anh cho mình con gái lớn đã 6 triệu đồng. 

Theo lời nữ công nhân, con cái ở cùng bố mẹ nên gia đình chị có phần vất vả hơn, nhiều gia đình gửi con về quê cho ông bà đi làm ăn xa, bố mẹ còn có thể dành dụm. Dẫu vậy, quan niệm của chị là, bố mẹ ở đâu con ở đó nên dù thiếu thốn, chị vẫn động viên cả gia đình cố gắng. “Vợ chồng tôi động viên nhau vượt qua thiếu thốn, vất vả để các cháu có điều kiện học tập, khó khăn như thế nào cũng sẽ chịu được...” - nữ công nhân tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn