MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhóm lao động thất nghiệp, ngủ gầm cầu ở Hà Nội hiện giờ sống ra sao?

Tùng Giang LDO | 15/08/2021 15:53

Sau quãng thời gian sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhóm lao động thất nghiệp ngủ gầm cầu ở Hà Nội, phải bán điện thoại để mua cơm đã có chỗ ăn ở miễn phí.

Ngày 15.8, trong căn nhà lợp tạm bằng các tấm tôn trên địa bàn phường Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội), anh Hoàng Văn Cương (31 tuổi, quê huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cùng 6 người trong nhóm lao động tự do mất việc làm, phải sống ở dưới gầm cầu Vành đai 3 trước đó đã bắt đầu có những ngày sinh hoạt bình thường như bao gia đình khác.

Nhóm lao động thất nghiệp, ngủ gầm cầu Vành đai 3 đã có nơi ở mới. Ảnh: TG

Theo anh Cương, nhờ tình thương của một số nhà hảo tâm, sau khi được đưa đi xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính, cả nhóm đã được đưa về khu nhà ở phường Hà Cầu ăn ngủ nghỉ miễn phí cho tới khi Hà Nội hết giãn cách xã hội. Tất cả được sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở sạch sẽ và thoáng mát.

Anh Hoàng Văn Cương vui sướng sau khi có chỗ ở mới sạch sẽ, khang trang hơn.

"Buổi tối chúng tôi cũng được các anh chị giúp đỡ nấu cơm với đầy đủ thịt, cá, rau xanh đảm bảo dinh dưỡng. Đã lâu rồi tôi mới được ăn bữa cơm ngon, ngủ một đêm trọn giấc đến như vậy", anh Cương chia sẻ.

Còn anh Trương Văn Huy (24 tuổi, quê huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn chưa quên được những đêm dài trằn trọc với cái bụng đói và bị muỗi đốt dưới gầm cầu.

Huy từng làm nhân viên tại nhà hàng trên phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình. Nhà hàng đóng cửa, Huy dọn hành lý ra Bến xe Nước Ngầm nhưng lúc này nhà xe đã dừng hoạt động. Cậu thuê nhà nghỉ trong ngõ gần bến xe ở ít ngày chờ đợi ngày về quê. Hằng ngày, Huy xin cơm từ các chốt kiểm soát ăn qua bữa nhưng cũng không trụ được lâu vì tiền đã cạn.

Trương Văn Huy từng lang thang tại nhiều chốt kiểm soát và khu vực các bến xe để xin cơm.

Không tiền cũng không xe, Huy đành ở lại quanh khu vực các bến xe xin cơm từ thiện sống qua ngày.

"Mình xin cơm từ thiện ăn rồi ngủ ở gầm cầu. Trong lúc ngủ, mình bị lấy mất sạch va li quần áo cùng điện thoại trong người. Nếu ai hỏi mình nhớ nhất khoảnh khắc nào lúc khó khăn trong thời gian qua, thì chắc chắn nó là những đêm oi bức và muỗi dày đặc trong các lùm cây dưới gầm cầu", Huy kể.

Chị Nguyễn Thị Ánh Phượng, là chủ nhà trực tiếp giúp đỡ nhóm lao động mất thu nhập trên chia sẻ, sau khi nắm được thông tin trên mạng xã hội, chị đã vô cùng đồng cảm và tìm cách liên lạc với bạn bè cùng giúp đỡ những hoàn cảnh này.

"Tôi sẽ xin phường làm tạm trú cho mọi người. Bên cạnh đó, cam kết mọi người ở yên một chỗ, không được đi đâu ra khỏi khu vực để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, từ giờ mọi người cũng sẽ không phải lo chỗ ăn, chỗ ở nữa trong thời gian khó khăn này nữa", chị Phượng khẳng định.

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, thời gian gần đây, kể từ khi từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, gầm cầu đường Vành đai 3 (đoạn đối diện bến xe Mỹ Đình) trở thành “nhà” của nhiều lao động tự do mất việc làm. Họ đa phần là người dân tộc đến từ các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Điện Biên, Tuyên Quang hay Nghệ An.

Gầm cầu Vành đai 3 (khu vực bến xe Mỹ Đình). Ảnh: TG

Rơi vào hoàn cảnh éo le, nhiều người trong nhóm phải bán điện thoại đổi lấy cơm ăn hằng ngày. Thậm chí trong lúc ngủ, mọi người cũng bị các đối tượng trộm cắp lấy mất đồ đạc, tài sản.

Theo lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận Nam Từ Liêm, nhóm lao động trên mới xuất hiện trên địa bàn. Họ là lao động tại các công trường trên địa bàn quận, di chuyển về bến xe Mỹ Đình để về quê. Tuy nhiên, do đang giãn cách xã hội nên xe khách không vận chuyển, do vậy nhiều người phải vạ vật quanh bến xe.

Lực lượng chức năng phường Mỹ Đình 2 đã kết hợp cùng một số đơn vị thiện nguyện quan tâm, tặng quà động viên, sắp xếp chỗ ăn ở miễn phí trong thời gian giãn cách xã hội đối với các trường hợp này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn