MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những cơ hội và thách thức với người lao động trong hội nhập CPTPP

Quách Du LDO | 05/04/2019 19:58
Tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) góp phần tăng nhanh số lượng lao động và các doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) sẽ được quan tâm đến đời sống, việc làm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. 

Chiều 5.4, tại LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra hội nghị Báo cáo viên tháng 4.2019 để thảo luận về những cơ hội và thách thức với NLĐ khi Việt Nam tham gia hiệp định CPTPP.

Hội nghị với sự tham gia đông đảo của các báo cáo viên và đại diện LĐLĐ các huyện, thị, thành phố. Ảnh: Quách Du 

Tham dự hội nghị có đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, LĐLĐ các huyện thị cùng đông đảo các báo cáo viên.

Tại hội nghị, đánh giá về những cơ hội và thách thức với NLĐ khi Việt Nam tham gia hiệp định CPTPP, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, khi tham gia hiệp định, NLĐ sẽ có cơ hội để học hỏi các tiến bộ khoa học – công nghệ, từ đó nâng cao trình độ tay nghề, có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, việc làm. Cùng với đó, bình đẳng với NLĐ trong khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, tham gia hiệp định, sẽ góp phần tăng nhanh số lượng lao động và các doanh nghiệp. Đây sẽ là nguồn phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở dồi dào cho tổ chức Công đoàn Việt nam. Bên cạnh đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ của không chỉ NLĐ mà còn cả các doanh nghiệp được đảm bảo, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quách Du 

Gia nhập CPTPP là cơ hội cho tổ chức Công đoàn Việt Nam tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Từ đó, thu hút, tập hợp NLĐ về tổ chức mình. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và công đoàn.

Bên cạnh những thuận lợi khi gia nhập hiệp định CTTPP, còn nhiều thách thức đối với tổ chức công đoàn Việt Nam như; nếu Hiệp định CTTPP được phê chuẩn, thì đây là lần đầu tiên vấn đề “đa công đoàn” được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức công đoàn đã được hình thành từ lâu.

Vì vậy, những cam kết trong CTTPP về lao động, công đoàn là những thách thức hết sức lớn đối với Công đoàn Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra, nguồn lực vật chất đảm bảo cho hoạt động của tổ chức công đoàn có nguy cơ giảm sút mạnh.

Khi nguồn lực không đủ mạnh, để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn và NLĐ, sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ mới thành lập tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trước những thách thức trên, một số giải pháp được đưa ra như, tuyên truyền đến đông đảo cán bộ công đoàn, NLĐ về những cơ hội và thách thức khi nước ta gia nhập CPTPP. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, tập trung phát triển đoàn viên và thành lập các công đoàn cơ sở.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, đáp ứng đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Kiến nghị với Đảng ban hành nghị quyết về Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Công đoàn Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn