MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nữ công nhân chuẩn bị bữa ăn tại khu trọ thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Những công nhân không có thưởng Tết

Bảo Hân LDO | 25/12/2021 12:30
Nghỉ việc trước khi Tết đến, nên năm nay, nhiều công nhân sẽ không có thưởng Tết như những năm trước. Họ mất đi một khoản tiền giúp cho gia đình có một cái Tết đầm ấm, đủ đầy hơn.

“Tiếc, nhưng biết làm sao!”  

Cách đây gần nửa năm, chị Trần Thị Toàn là công nhân một công ty điện tử tại KCN Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Không may mắc COVID-19, chị Toàn phải đi điều trị. Sau khi khỏi bệnh, chị Toàn về quê ở Thái Nguyên để tự cách ly. “Thời điểm đó, tôi định hết thời gian cách ly sẽ lên đi làm trở lại, nhưng do chồng ốm đau, không đi làm được, nên tôi không trở lại Bắc Giang nữa mà ở nhà để chăm sóc chồng, lo việc gia đình” - chị Toàn cho hay. Chị Toàn đã chấm dứt hợp đồng lao động với công ty; sổ bảo hiểm đã được chốt vào tháng 9.2021.  

Bắt đầu từ tháng 8.2021, chị Toàn đi kiếm công việc ở quê. Khó khăn lắm chị mới xin được một công việc thời vụ, thu nhập chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nơi chị làm là công ty tư nhân. Chị không được ký hợp đồng lao động, không được tham gia bảo hiểm xã hội. “Tôi được trả lương ăn theo sản phẩm, làm được nhiều thì được nhiều tiền, làm ít thì được ít” - chị Toàn nói.  

Với mức thu nhập còm cõi này, nhớ lại thời điểm đi làm ở Bắc Giang, chị Toàn thấy tiếc. Khi còn làm ở Bắc Giang, chị có mức thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.  

Chị Toàn còn tiếc một điều, đó là, nếu vẫn tiếp tục làm ở Bắc Giang, có lẽ chị sẽ có một khoản thưởng Tết không hề nhỏ. “Năm trước, tôi được thưởng Tết 20 triệu đồng. Năm nay, tình hình của công ty khó khăn hơn nên có lẽ thưởng Tết cũng ít hơn một chút. Nhưng đã nghỉ việc ở công ty nên tôi không có khoản thưởng này. Chỗ mới làm là công ty tư nhân, công việc thời vụ, lại mới làm nên sẽ không có thưởng Tết” - chị Toàn cho hay. Không có thưởng Tết, chị Toàn phải thắt chặt chi tiêu hơn trong dịp Tết này. “Tiếc, nhưng biết làm sao được. Hoàn cảnh gia đình bắt buộc mình phải như vậy” - chị Toàn cho hay.  

Chị Toàn tính, về lâu dài, khi sức khoẻ của chồng ổn định trở lại, chị sẽ đi làm lại ở Bắc Giang để có mức thu nhập cao hơn, đảm bảo cuộc sống cho gia đình, mặc dù phải xa chồng, con… 

Không nghĩ đến thưởng Tết  

Cũng giống như chị Toàn, chị Lù Thị H (1985) đã nghỉ việc từ Bắc Giang trở về quê ở Hà Giang được nhiều tháng nay. Sau khi trở về quê, chị H quyết định không đi làm công nhân nữa mà ở nhà bán đồ ăn kiếm sống.  

Trước đây, do cuộc sống quá khó khăn, chị đành phải xa chồng và 2 con xuống thuê trọ tại thôn My Điền 2, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để làm công nhân. Chị hỏi xin việc khắp nơi, nhưng không có công ty nào tuyển dụng làm công nhân chính thức, vì vậy, chị đành xin làm thời vụ của một công ty. Làm thời vụ, nghĩa là làm được ngày nào thì được hưởng lương ngày đó, làm nhiều thì có nhiều tiền hơn, không làm thì không có thu nhập. Hằng tháng, chăm chỉ làm việc, chị được khoảng 8 triệu đồng. 

Tuy nhiên, khi làm công nhân được 2 tháng, khu công nghiệp nơi chị làm việc bị đóng cửa; còn chị “mắc kẹt” lại trong nhà trọ với thiếu thốn về thực phẩm, tiền bạc. Sau khi khu nhà trọ dỡ phong toả, chị quyết định về quê, không đi làm việc xa nữa. “Chồng tôi cũng không muốn cho tôi đi xa nữa, sau khi tôi “mắc kẹt” trong nhà trọ do dịch COVID-19 cách đây ấy tháng”- chị H cho hay. 

Chị H bảo, chị không biết nếu còn làm tiếp, chị có được thưởng Tết hay không và mức thưởng là bao nhiêu, vì dù sao chị chỉ là công nhân thời vụ. Chị cũng mới đi làm công nhân nên chưa biết những năm trước, thưởng Tết cho công nhân thời vụ sẽ ra sao. “Nhưng chắc chắn bây giờ tôi không có thưởng Tết. Ở quê, tôi bán đồ ăn sáng, chỉ mong hằng ngày có đồng ra đồng vào để nuôi con là tốt lắm rồi” - chị H nói. Chị cũng cho biết, sẽ không xa quê đi làm công nhân nữa, mà sẽ chịu khó ở quê kiếm sống, dù thu nhập chắc chắn sẽ không bằng khi đi làm ở xa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn