MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động làm thủ tục nhận BHXH một lần ở Khánh Hoà. Ảnh: Hữu Long

Những “khoảng trống” sau khi nhận Bảo hiểm Xã hội một lần

Tường Minh - Phương Linh LDO | 16/04/2022 10:30
Giải quyết nhu cầu trước mắt, nhưng rồi sau đó nhiều lao động nhận Bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần chới với khi đối diện với thực tế thiếu chỗ dựa khi lớn tuổi.

Mất cả chì lẫn chài

Sau hơn 2 năm nhận BHXH một lần, chị Nguyễn Thị Thủy (48 tuổi, trú TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) từng làm nhân viên một khu du lịch tại Bãi Dài thấy tiếc nuối. Sau khi nhận số tiền gần 90 triệu đồng cho gần 16 năm tham gia BHXH, giờ đây chị hoang mang khi tuổi ngày một lớn.

“Dịch bệnh  cả 2 vợ chồng đều mất việc. Phải lo cho gia đình, nhất là 2 con duy trì việc học nên tháng 3.2020 tôi quyết định rút BHXH 1 lần. Khoản tiền đó tôi cũng không đầu tư vào được việc gì, qua mấy tháng dịch bệnh thì cũng hết nên giờ coi như mất cả chì lẫn chài” - chị Thủy tâm tư.

Tương tự, anh Lại Minh Dân (trú TP.Nha Trang), từng làm công nhân công ty chuyên sản xuất đồ song mây xuất khẩu. Hơn 2 năm sau khi nhận BHXH 1 lần, dù giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng quỹ thời gian đóng trước đây gần 8 năm không được cộng nối.

Anh Dân cho biết: “Tháng 4.2020 tôi đăng ký nhận BHXH 1 lần. Biết là thiệt nhiều nhưng lúc đó mình cần có khoản tiền trang trải cuộc sống. Số tiền đó cũng không tạo được sinh kế gì nên bây giờ tôi muốn đóng lại để chờ có lương hưu cũng phải tới 70 tuổi. Khi thấy xung quanh nhiều người già vẫn phải chật vật làm việc vì không có khoản cố định phòng thân, tôi rất lo lắng”.

Ông Nguyễn Văn Đ, sống ở quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng là viên chức làm việc trong một cơ quan nhà nước, đã có hơn 20 năm đóng BHXH. Mới đây, do cuộc sống khó khăn nên ông H quyết định nộp đơn làm thủ tục rút BHXH một lần và nhận được gần 30 triệu đồng.

“Chẳng đặng đừng tôi mới rút BHXH một lần bởi vợ thất nghiệp, hai con đang tuổi ăn học. Tôi biết, khi không còn lương hưu, cuộc sống của mình sẽ khó khăn hơn...” - ông Đ nói.

Vẫn chưa hạ nhiệt

Thực tế đến thời điểm này, tình trạng NLĐ rút BHXH một lần ở các tỉnh Miền Trung vẫn chưa hạ nhiệt. Tại Đà Nẵng, trong năm 2021, BHXH thành phố giải quyết cho 15.079 người hưởng BHXH một lần (bằng 120,31% so với năm 2020) với số tiền 659.745 triệu đồng (bằng 128,82% so với năm 2020).

Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2022, BHXH thành phố Đà Nẵng giải quyết cho 2.818 người hưởng BHXH một lần (bằng 72,29% so với cùng kỳ năm 2021), với số tiền 125.953 triệu đồng (bằng 79,15% so với cùng kỳ năm 2021).

Lãnh đạo BHXH TP.Đà Nẵng đánh giá, đây là một thực trạng đáng báo động trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Ông Nguyễn Hùng Chính - Phó Giám đốc quản lý điều hành BHXH tỉnh Khánh Hòa - thông tin: Năm 2019, số người lao động nhận BHXH 1 lần tại Khánh Hoà là 11.103 người, năm 2021 là 20.605 người. Quý I/2022 toàn tỉnh ghi nhận 4.755 người lao động nhận trợ cấp BHXH 1 lần. 80% lao động nhận BHXH 1 lần thuộc nhóm dịch vụ - du lịch. Đây là điều sẽ tạo ra hệ lụy lâu dài bởi khi nhận BHXH một lần, số tiền NLĐ mất đi là 1,14 và 0,64 tháng lương bình quân đóng BHXH.

Đồng thời NLĐ cũng bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận, mất cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Mặt khác, NLĐ sẽ mất đi quyền lợi được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT.

Trường hợp nếu tiếp tục quay lại tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó, dẫn đến NLĐ có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện thì mức lương hưu cũng không cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn