MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mong mỏi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1.1.2023. Ảnh: LĐO

Những lý do cần tăng lương cơ sở ngay từ 1.1.2023

Trang Thiều LDO | 27/10/2022 19:00

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức càng sớm càng tốt, có thể thực hiện ngay từ ngày 1.1.2023.

Những ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở từ ngày 1.1.2023 thay vì ngày 1.7.2023 như đề xuất. Đây cũng chính là mong mỏi của đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là đối tượng giáo viên, y bác sĩ.

Khẳng định đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng là tín hiệu đáng mừng, cô Nguyễn Thị Minh Lý -  giáo viên tại Bắc Giang - ví đây là một luồng gió mát, tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, cô Lý cho rằng, mức tăng này cần sớm được áp dụng. Đặc biệt, trong thời điểm bão giá, bó rau, cân thịt ngoài chợ cũng đang tăng giá.

"Lần tăng lương gần nhất là từ tháng 7.2019. Điều này dẫn đến người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành Giáo dục, ngành Y tế.

Mong muốn của người hưởng lương như chúng tôi là Chính phủ cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương cơ sở sớm hơn, từ ngày 1.1.2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương" - cô Lý nói.

Cô Nguyễn Thị Xoan - giáo viên mầm non tại Thanh Hóa cho biết, với mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng, giáo viên mầm non có lương thấp nhất là 3,12 triệu đồng và cao nhất là 9,5 triệu đồng.

Giáo viên các trường công lập có thêm một số loại phụ cấp khác nhưng không phải ai cũng được hưởng những khoản này. Với những giáo viên mới ra trường như cô Xoan, lương chỉ hơn 3 triệu, không đủ lo cho cuộc sống độc thân.

"Sau 2 lần lỡ hẹn tăng lương vào tháng 7.2020 và tháng 7.2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tôi và tất cả giáo viên hy vọng được tăng lương cơ sở sớm nhất có thể. Chúng tôi mong chờ được tăng lương ngay từ 1.1.2023.

Lý do lớn nhất để tăng lương vào thời điểm đầu năm 2023 là sẻ chia khó khăn, động viên công chức, viên chức ở khu vực công. Vì một trong những nguyên nhân khiến giáo viên bỏ việc, dẫn tới thiếu nhân lực là chính sách tiền lương chưa phù hợp. Đợi đến tháng 7.2023 thì quá lâu, không còn nhiều ý nghĩa về việc sẻ chia" - cô Xoan nói.

Giáo viên mầm non chờ đợi được tăng lương cơ sở. Ảnh: LĐO

Theo bác sĩ Vũ Thị Hoàn - Trạm trưởng trạm y tế xã tại Vĩnh Phúc, cán bộ công chức, viên chức cũng cần đồng lương để trang trải cuộc sống, có no bụng mới có sức để cống hiến. Tháng 7.2023 mới nâng lương cơ sở là quá chậm, tháng 1.2023 là phù hợp.

Theo đó, có 3 lý do thực hiện tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023. 

"Thứ nhất, theo tôi tìm hiểu, hiện nay, nền kinh tế nước ta đã dần phục hồi, ngân sách Nhà nước vượt dự toán. Như vậy, việc tăng lương vào đầu năm 2023 là hợp lý.

Thứ hai, hiện nay, lực lượng công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc lớn, đặc biệt là ngành Y tế. Việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần động viên, khích lệ họ làm việc.

Thứ ba, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần đây nhất là vào ngày 1.7.2019, nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào ngày 1.7.2023 thì phải sau 4 năm, lương công chức, viên chức mới tăng được 20,8%. Như vậy là quá chậm" - bác sĩ Hoàn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn