MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Thu - một trong những công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng - bị mất việc dịp cuối năm 2022. Ảnh: Phương Ngân

Những ngành nghề lao động mất việc nhiều nhất

QUỲNH CHI LDO | 16/05/2023 10:45

Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp diễn sang quý I/2023. Hiện hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng tới đời sống.

Theo Tổng cục Thống kê, báo cáo nhanh từ các địa phương cho thấy, số lao động nghỉ, giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I năm nay là gần 294 nghìn người. Trong đó, đa số lao động nghỉ, giãn việc làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%). Đặc biệt, nhóm này tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, dệt may với 18,8%.

Ngoài ra, tình trạng giảm, giãn việc xảy ra chủ yếu ở một số địa phương như: Bắc Giang (16 nghìn người), Ninh Bình (19,7 nghìn người), Thanh Hóa (62,4 nghìn người), Tây Ninh (khoảng 21,8 nghìn người), Bình Dương (khoảng 36,4 nghìn người), Đồng Nai (khoảng 35 nghìn người), Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 19,8 nghìn người), Tiền Giang (khoảng 11,5 nghìn người), Vĩnh Long (khoảng 13,2 nghìn người)…

Trước đó, quý IV/2022, cả nước có gần 118 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp; sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149 nghìn lao động bị mất việc.

Lao động mất việc tập trung chủ yếu (55,2%) ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm tỉ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17%) và tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Đồng Nai (khoảng gần 32,6 nghìn người), Bình Dương (khoảng gần 21,7 nghìn người), Bắc Ninh (14 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 7,7 nghìn người)…

Ngoài ra, thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 181 số doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hơn 100 doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn như thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao đồng đối với 32.400 người lao động; giảm giờ làm việc cho khoảng 35.000 người lao động; tạm hoãn hợp đồng lao đồng cho gần 1.500 lao động; trả lương ngừng việc cho 500 người lao động... Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, may giày da, phụ trợ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại Bắc Giang, có hơn 7.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tương ứng 286.220 lao động. Số lao động nói trên đã giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Trên địa bàn, đã có 27.506 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, trong đó số lao động mất việc làm là 18.230 người.

Tại Thái Nguyên, có 3.786 lao động ở ngành dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ... bị ảnh hưởng tới việc làm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn