MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số doanh nghiệp thuộc một vài ngành nghề phải cắt, giảm việc làm của công nhân, lao động. Biểu đồ: Anh Thư

Những ngành nghề nào cắt, giảm việc làm của công nhân do thiếu đơn hàng?

ANH THƯ LDO | 04/12/2022 15:06
Doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, nhiều công nhân, lao động trong một số ngành nghề như dệt may, da giày... bị mất việc, giảm giờ làm.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong số 1.235 doanh nghiệp, có đến 646 doanh nghiệp dân doanh và 590 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh, việc làm của người lao động.

Những ngành nghề chịu tác động lớn là dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí, và một số lĩnh vực khác.

Do ít đơn hàng, công nhân Công ty Hansae Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Ảnh: Đức Long

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do chi phí đầu vào cao; bị thiếu, cắt giảm đơn hàng trực tiếp từ nhà mua hàng nước ngoài hoặc bị cắt, giảm đơn hàng do khách hàng là các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng từ nhà mua hàng nước ngoài.

Việc gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới; lãi suất vay vốn trong nước cao…

Để ngăn ngừa thất nghiệp, phục hồi thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, cần rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...

Từ đó, có phương án tổ chức kết nối cung – cầu lao động như: Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.

Bên cạnh đó, Cục Việc làm cũng cho rằng, cần hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tốt để kịp thời hỗ trợ người lao động bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho hay, Tết đang đến rất gần, người lao động rất kỳ vọng vào các khoản lương thưởng cuối năm. Hiện nay, nhiều người lao động bị mất việc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện triển khai một số giải pháp hỗ trợ với nhóm lao động bị mất việc.

Kết nối việc làm cho người lao động. Ảnh: Anh Thư

Trung tâm sẽ kết hợp các cấp ngành, các địa phương để nắm bắt nhanh nhất, kịp thời nhất thông tin về các doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải cho người lao động nghỉ việc để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Đối với những người lao động nghỉ việc, ông Thành cho biết, sẽ tăng cường những hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.

Qua các hoạt động phối hợp, Trung tâm tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động bị mất việc đó để tiến hành các hoạt động kết nối với doanh nghiệp khác hiện đang có nhu cầu tuyển dụng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, các doanh nghiệp khi cho người lao động nghỉ việc phải thực hiện chốt sổ, không được nợ bảo hiểm xã hội. Khi người lao động có đủ điều kiện hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội sẽ hỗ trợ kịp thời, để họ có nguồn thu nhập trong dịp Tết này…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn