MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những ngành nghề nào phải cắt giảm nhiều công nhân dịp cuối năm?

ANH THƯ LDO | 24/11/2022 17:05
Doanh nghiệp giảm đơn hàng, nhiều công nhân mất, giảm việc làm là điều cả hai bên đều không mong muốn.

Nhiều ngành nghề chịu tác động

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua báo cáo của 25 địa phương, đơn vị, ngành có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Những ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, việc các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhiều người lao động mất việc là điều cả doanh nghiệp và người lao động đều không mong muốn.

Trong trường hợp doanh nghiệp không thể giải quyết được vấn đề việc làm, chuyên gia này cho rằng cần phải thực hiện quy trình cắt giảm việc làm, lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Hơn 4.000 lao động của 20 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đà Nẵng bị giảm giờ làm, mất việc do thiếu đơn hàng cuối năm. Ảnh: Tường Minh

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn tại địa phương cần có hướng dẫn giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc, đặc biệt về tiền lương, phúc lợi xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Với người lao động, ông Trung nhấn mạnh, bên cạnh việc chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh bị giảm đơn hàng, bản thân họ cần cần nhận thức đầy đủ, biết rõ quyền, trách nhiệm của mình, trong đó đặc biệt về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian này, người lao động nên tranh thủ học nghề, trang bị kiến thức, đồng thời họ cần chủ động với các Trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp.

Tăng cường kết nối việc làm

Tại thị trường lao động ở Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết hiện chưa ghi nhận phản hồi từ phía các doanh nghiệp về việc cắt giảm lao động.

Theo ông Thành, về mặt bằng chung, thị trường lao động Hà Nội từ nay đến cuối năm vẫn có có những sự sôi động nhất định. Các phiên giao dịch việc làm vẫn được tổ chức đều đặn. Trung tâm vẫn nhận các đơn hàng tuyển dụng từ phía doanh nghiệp, thậm chí thời điểm này số lượng còn tăng hơn so với những tháng trước đây.

Trao đổi về tình trạng một số doanh nghiệp phía Nam phải cho công nhân nghỉ việc hàng loạt, ông Thành cho rằng có thể do thiếu đơn hàng hoặc nguyên vật liệu. Ngoài ra, do biến động về tình hình thế giới, một số nước như Mỹ và một số nước châu Âu có hiện tượng lạm phát, vì thế nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam có những đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường này đã chịu những sự ảnh hưởng nhất định.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, nghỉ việc luân phiên là khó khăn trong bối cảnh chung của thế giới đã có những tác động, ảnh hưởng đến tình hình phát triển, sản xuất kinh doanh của các đơn vị doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khu vực phía Nam.

Ông Thành cũng cho biết, căn cứ diễn biến trên thị trường lao động, từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ tiếp tục tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các nhóm đối tượng phù hợp.

Thông qua hoạt động nghiệp vụ, trung tâm tập trung tối đa để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động tìm kiếm việc làm. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể tuyển dụng đủ lực lượng lao động đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, còn người lao động sẽ tìm kiếm được việc làm, đảm bảo cho thu nhập, ổn định cuộc sống dịp sát Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn