MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những ngày không có ca COVID-19 trong cộng đồng, lao động giản đơn hết "ế"

Kiều Vân LDO | 27/09/2020 16:24
Đã nhiều ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Những người thường làm công việc chân tay vui mừng vì thoát cảnh "ế" sức lao động.

Công việc của họ dường như đã hoạt động bình thường sau những ngày ế khách, không ai gọi đi làm.

Cuộc sống đảo lộn, công việc gián đoạn kéo dài trong mùa dịch COVID-19 khiến cuộc sống của những người làm nghề lao động tự do khó khăn hơn gấp 10 lần.

Anh Đào Lâm (36 tuổi, quê Hà Nam), công việc của anh là chở, bốc vác hàng từ các bến xe giao cho khách. Anh Lâm kể, trước khi dịch chưa bùng phát, mỗi ngày anh kiếm được từ 1 - 1,5 triệu đồng.

Anh Lâm trên chiếc xe chở hàng hằng ngày. Ảnh: K.Vân

Nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát, thu nhập của anh giảm gần 5 lần. Mỗi ngày anh chỉ được 1-2 chuyến, không đủ tiền gửi về cho con ăn học, thời gian đó anh phải chạy thêm xe ôm để có tiền trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

Anh Lâm tâm sự, không ai muốn chọn công việc nặng nhọc nhưng anh không bằng cấp, vì mưu sinh nên phải chọn nghề bốc vác, chở hàng. Lâu dần thành quen, anh gắn bó luôn với nghề này cũng ròng rã 8 năm.

"Mỗi nghề có những vất vả riêng. Nghề của tôi hầu như không có ngày nghỉ, ai gọi khi nào đi khi ấy. Tháng 7, tháng 8 hàng năm là mùa cao điểm của những người chạy hàng như chúng tôi.

Sầu riêng, bơ, mít thái ở miền trong gửi ra cả ngày phải vài tấn. Tôi "chạy bở hơi tai" cũng không hết việc. Nhưng năm nay 2 tháng này rơi vào lúc dịch COVID-19 bùng phát đợt 2 lại phức tạp hơn, đến sức lao động của chúng tôi cũng "ế"" - anh Lâm nhắc lại.

Với anh Lâm cũng như nhiều người làm cùng nghề này, chưa có năm nào công việc của họ lại khó khăn như năm nay.

"Hơn 8 năm chật vật mưu sinh bằng nghề bốc vác ở Hà Nội, năm nay được gọi là năm lịch sử. Mọi năm, tôi làm không hết việc, năm nay thì không có việc để làm” - anh Lâm trải lòng.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng lắng xuống khi nhiều ngày liên tiếp không có ca mắc mới trong cộng đồng, những người lao động tự do dần trở lại với cuộc sống mưu sinh hằng ngày.

Họ bắt đầu nhận chở hàng, từ tài xế xe ôm đến người thợ bốc vác, ai cũng vui mừng vì thoát cảnh "ế" sức lao động, công việc dường như đã trở lại với quỹ đạo bình thường.

Nhiều ngày không có ca mắcCOVID-19 mới trong cộng đồng, công việc của anh Lâm trở lại như xưa. Ảnh: K.Vân

Theo chân anh Lâm, chúng tôi cảm nhận được sự tất bật của anh cùng những chuyến hàng. Điện thoại cứ 5 phút lại đổ chuông vì có người gọi chở hàng.

Công việc trở lại bình thường nên hầu hết quỹ thời gian anh dồn cho việc nhận chở hàng và bốc vác, có những ngày làm không kịp trở tay, nhiều khi làm quên ăn, quên ngủ.

Vất vả, khổ cực là thế nhưng trong mắt anh luôn ánh lên sự vui mừng và hãnh diện, anh nói: “Ai cũng có khó khăn riêng, nhưng tôi luôn nghĩ về gia đình, con cái nên khó khăn cỡ nào tôi cũng vượt qua được”.

Anh Lâm mong không còn dịch COVID-19 nữa để ngày nào cũng được tất bật lao động. Ảnh: K.Vân

Dáng người nhỏ bé nhưng đôi tay của anh thoăn thoắt đỡ lấy từng thùng hàng nặng cả tạ từ trên xe chuyền xuống, rồi lại tiếp tục lái xe chở đi.

Vừa quệt những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên gương đen nhẻm, chai sạn, anh Lâm cho biết: “Hàng về lúc nào là mình phải có mặt lúc đó. Thời gian này, tôi thường bốc hàng từ 4 giờ sáng đến tận 2 giờ sáng hôm sau. Mỗi bao hàng củ, quả nặng từ 1-1,5 tạ, do vậy một buổi tôi bốc khoảng 1-2 tấn hàng là chuyện bình thường".

Trong một ngày, anh Lâm chia hàng thành 3 chuyến khác nhau. Những đơn hàng cùng trên một tuyến đường sẽ được anh sắp xếp thành 1 chuyến. "Gần hết năm rồi, nên càng phải cố gắng nhiều hơn nữa, tôi chỉ mong không còn dịch để ngày nào cũng được tất bật" - anh Lâm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn