MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Vũ Thị Thanh Huyền. Ảnh: NVCC

Những nữ công nhân đam mê với nghề

Linh Nguyên LDO | 19/10/2020 08:53
Là những người trực tiếp lao động sản xuất, các chị luôn biến mỗi giờ làm việc thành khoảng thời gian thực hiện đam mê. Hơn thế, các chị không “giữ nghề” cho riêng mình mà sẵn sàng truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ mới vào nghề.

“Không thấy vất vả, chỉ thấy đam mê”

Chị Vũ Thị Thanh Huyền là công nhân Cty Dệt Hà Đông (thuộc TCty Dệt may Hà Nội) 25 năm. Do khoảng cách giữa nhà và Cty xa nên tuần 3 ngày chị ra khỏi nhà lúc 4 giờ 30 phút để kịp vào ca lúc 6 giờ; 3 buổi còn lại làm ca tối, lúc trở về nhà đã 23 giờ. Không quản ngại khó khăn, chị Huyền tìm tòi, học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm qua từng giờ làm việc. Hiện chị là thợ bậc 6/6, đảm nhận 8 - 10 máy dệt, nhiều hơn 3-4 máy so với những CNLĐ khác. Sản phẩm chị làm ra luôn đạt chất lượng tốt và số lượng vượt mức kế hoạch; đạt giải cao của nhiều cuộc thi thợ giỏi, công nhân giỏi. Do vậy, dù là công nhân sản xuất trực tiếp nhưng nhiều năm nay mức thu nhập của chị luôn đứng ở vị trí tốp đầu doanh nghiệp. Nói về sự vất vả của người phụ nữ khi phải đi làm (rất) sớm và về nhà muộn sau những giờ đứng máy, chị Huyền chân thành: “Đã đam mê thì không bao giờ thấy vất vả”. Trò chuyện với chị, người đối diện luôn cảm nhận một nguồn năng lượng tích cực. Chị Huyền bảo công việc này cần sức khoẻ, nhanh tay, nhanh mắt và rất cần kiến thức để xử lý những tình huống máy trục trặc. Vượt qua những khó khăn, những bụi bặm, tiếng ồn, giờ làm ca kíp để đạt thành tích cao trong công việc đúng chỉ có thể là niềm đam mê công việc. Nhưng chị không giữ niềm đam mê và những kinh nghiệm cho riêng mình mà thường xuyên truyền lại cho lớp trẻ. Khi Cty mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tay nghề cho NLĐ hay đào tạo công nhân mới vào nghề, chị Huyền được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn thực hành cho các học viên. Chị thường xuyên chia sẻ với đồng nghiệp “bí quyết” đạt năng suất, chất lượng; sẵn sàng truyền đạt cho CNLĐ trẻ từng thao tác kỹ thuật. Do đó, sau mỗi đợt đào tạo hay trong sản xuất, đại đa số CNLĐ mới vào nghề vẫn muốn được chị kèm cặp, hướng dẫn thêm.

Trách nhiệm của người đi trước

Cũng là công nhân trực tiếp như chị Vũ Thị Thanh Huyền, chị Lê Thị Làn - công nhân bộ phận cắt và bao ép dây, Cty TNHH hệ thống dây dẫn SUMI Việt Nam - luôn đặt cho mình trách nhiệm đào tạo cho những CNLĐ mới vào dây chuyền sản xuất. Với mỗi CNLĐ mới, chị Làn cầm tay chỉ việc, chỉ bảo tận tình từng thao tác, từng kỹ năng. Sau đó kiểm tra lại, cho đến khi các em, các cháu làm quen rồi mới thôi. Chị Làn chia sẻ, bản thân chị được Cty, đặc biệt là tổ chức Công đoàn quan tâm, hỗ trợ lúc khó khăn trong cuộc sống nên chị thấy mình cần phải làm tốt công việc, cần phải truyền lại kinh nghiệm để có Cty có nhiều người làm tốt. Năm 2019, trước hoàn cảnh khó khăn về nhà ở của chị Làn, Công đoàn đã hỗ trợ chị số tiền 40 triệu đồng để xây nhà theo chương trình Mái ấm Công đoàn.

Những nữ CNLĐ trực tiếp như chị Huyền, chị Làn ngày càng có nhiều. Như chị Nguyễn Thị Tiên Hoàng, công nhân đứng máy Nhà máy dệt 2, TCty CP Việt Thắng - Cty CP, đã có sáng kiến “Đôi bạn cùng tiến” để người có trình độ, kinh nghiệm kèm cặp hướng dẫn và chia sẻ cho CNLĐ mới vào nghề để cả hai cùng phát triển, tăng năng suất lao động.

Các chị cống hiến với niềm đam mê và truyền cảm hứng, năng lượng tích cực đó đến với đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp trẻ, mới vào nghề, để cùng nhau có cuộc sống tốt, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn